_ Tặng những người bạn đường Trĩ Quốc _
Vừa yên vị trên chuyến máy bay cuối cùng sẽ đưa tôi về nhà, tôi nhắm mắt nhớ lại những chặng đường đầu tiên trên đất Ấn. Trong những mảnh ghép muôn màu của Ladakh, tôi nhớ mãi những con đường nhỏ cheo leo, những dãy núi tuyết trập trùng, những dòng sông xanh uốn mình giữa đôi bờ đá hẹp, những cơn gió mạnh thổi căng dải lungta. Ở nơi ấy, con người lặng lẽ hòa vào thiên nhiên như thể tất cả đã được an định từ muôn đời.
Bài viết về chuẩn bị và kinh nghiệm đi Ladakh : Ladakh, Zanskar – Lịch trình và kinh nghiệm
Bài viết về Phuktal và Zanskar : Đến Phuktal – Chạm vào trái tim Zanskar
Album ảnh Facebook : [India] Ladakh, land of high passes
Phần 1: Agra
Ngày 1 : Delhi – Agra – Delhi (mỗi chiều : 240 km, 5 tiếng)
Máy bay của Turkish Airline từ Toulouse hạ cánh sân bay Delhi (quá cảnh Istanbul) lúc 6h sáng. Các bạn tôi đến từ Sài Gòn đã đến nơi từ 4h. Xếp hàng nhập cảnh xong (với e-visa làm sẵn từ trước), tôi chạy thẳng ra cửa lên xe đi Agra dưới trời mưa rả rích.
Ở Delhi, dường như người ta không đi theo bất cứ thứ luật lệ nào. Từng làn xe máy, xe con, xe khách, xe tải, cứ lắt léo đan chéo vào nhau. Mưa ngày càng nặng hạt, ịn thành dòng trên cửa kính, ướt đẫm mặt đường phủ đầy bụi, tạo thành một thứ bùn nâu trơn trượt. Nhiều vụ tai nạn lớn nhỏ rải rác trên quãng đường hơn 200km cho đến khi chúng tôi đến được Agra lúc quá trưa.
Agra nổi tiếng vì có Taj Mahal mà theo anh chàng Karl Pilkington trong “An Idiot Abroad” miêu tả là “like a diamond in a turd” (“như một viên kim cương nằm trên đống phân”). Câu nói vừa hài hước vừa châm biếm ấy thôi thúc tôi tới đây. Có ba cổng vào Taj Mahal, trong đó cổng phía Đông vắng khách nhất. Giá vé vào cổng cho người nước ngoài là 1000 INR (15,5 $). Mua vé vào Taj Mahal trước sẽ được miễn phí vé vào Baby Taj (lăng mộ Itimah-ud-Daulah), một trong những điểm thăm quan thú vị khác của Agra.
Phần 2 : Leh, hồ Pangong, hồ Tsomoriri
Ngày 2 : Leh
Quay lại Delhi từ tối hôm trước, sáng nay chúng tôi lên máy bay đi Leh, trái tim của Ladakh. Delhi buổi sáng vẫn trắng mây. Vậy mà Leh đón tôi với trời xanh và nắng thu vàng ươm vai áo.
Leh là một thị trấn đáng mến, làm tôi yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nằm ở độ cao 3500m, không khí ở đây đã loãng đi rất nhiều, khiến mỗi bậc thang là một lần tôi thở dốc. Cả ngày hôm nay chúng tôi chỉ có mỗi một việc : nghỉ ngơi, đi dạo nhẹ nhàng cho quen với không khí loãng, tránh bị sốc độ cao (triệu chứng thở dốc, đau đầu, chóng mặt, mất ngủ; nặng hơn là nôn, bất tỉnh).
Rau quả ở Leh rất nhiều, tha hồ mua táo và mơ đang vào vụ. Chúng tôi đến đúng giữa 9 ngày ăn chay của người bản địa nên khó mua thịt và quán ăn cũng chỉ bán đồ chay hoặc chút ít thịt gà. Muốn tự nấu chúng tôi tìm đến hàng thịt gà đông lạnh duy nhất mở cửa trong những ngày này nằm dưới tầng hầm của Golden Bakery trong khu Main market.
Ngày 3 : Các tu viện quanh Leh (Hemis, Thiksey, Leh Palace)
Quanh Leh có vô vàn tu viện lớn nhỏ, trong đó tôi thích nhất Thiksey với tầm nhìn đẹp từ đỉnh tu viện xuống thung lũng đang chuyển vàng độ đâu thu, bao quanh là những ngọn núi cao đầu bạc.
Mặt trời đang lặn dần xuống sau rặng núi phía Tây Leh khi tôi trèo lên nóc pháo đài Tsemo (Chiến thắng) xây từ thế kỉ XVI, bên trên Leh Palace bằng những cây thang gỗ đơn sơ, tạm bợ. Gió thổi tung những lá lungta (cờ nguyện), một chút mây lãng đãng, và bóng tối phủ xuống Leh.
Ngày 4 : Leh – Chang La – Hồ Pangong (200 km, 6 tiếng)
Sau đêm đầu khó ngủ vì lạnh và tác dụng phụ của thuốc chống độ cao ở Leh, đêm nay tôi đã ngủ ngon hơn chút đỉnh. Chúng tôi rời Leh đi Pangong từ sáng sớm. Con đường dài hơn 200km nhưng phải mất hơn 6 tiếng đi xe liên tục, qua 2 TCP (Traffic Check Point) để kiểm tra permit và hộ chiếu. Sự hiện diện của quân đội Ấn càng gần hồ Pangong càng rõ vì khu vực này vẫn là điểm nóng giao tranh với Trung Quốc đến tận gần đây.
Những khúc cua tay áo cứ đưa chúng tôi lên cao dần. Lá ngày càng vàng hơn, đến lúc mặt đất chỉ còn phủ một chút rêu, và rồi chỉ còn sỏi đá. Không khí bên ngoài mỗi phút một lạnh. Đồng hồ chỉ độ cao 4000, 4200 rồi 4500m. Tôi cảm thấy một chút tức ngực khi xe cán vạch 4800m. Và rồi khi con đường đang dường như trở nên như dài vô tận, anh lái xe báo chúng tôi đã ở Chang La (Con đèo phía Nam), ở độ cao 5360 m.
Bước ra khỏi xe, tôi cảm thấy mình như thể đang bị say rượu mà phải chạy việt dã. Gió dường như mạnh hơn, mặt trời như chói hơn, làm cho tôi lảo đảo và hoa mắt. Ở độ cao này, một quán cà phê được dựng lên ngay cạnh 3 căn nhà vệ sinh xây theo kiểu vô cùng “Ladakh”. Sàn nhà bê tông được trổ một lỗ to bằng viên gạch ở chính giữa, bên dưới là sườn núi sâu hút gió, ngồi mát vô cùng.
Qua đèo Chang La, xe dần giảm độ cao đến khi màu xanh của hồ Pangong – “Hồ của thảo nguyên xanh trên cao” hiện ra. Pangong Tso là hồ nước mặn lớn nhất bang Jammu & Kasmir. Sát bờ hồ, một vài quán ăn được dựng lên để phục vụ khách du lịch. Đi bộ xa khu vực này hơn một chút, chỉ tầm vài trăm mét, bờ hồ đã vắng hơn hẳn, nếu không muốn nói là không còn ai. Hồ rất dài và rất xanh, phản chiếu bóng núi và bầu trời. Tôi đặt balo, ngồi xuống giữa một dẻo đất ven hồ. Gió lạnh và không khí trong lành khiến tôi bỗng thấy lòng mình bình yên.
Nắng còn chưa kịp vàng khi mặt trời hạ xuống sau núi. Không khí ấm áp như bị ai đưa tay tắt vụt.
Màn đêm buông xuống, mang theo những vì sao lấp lánh. Ở đây trời cao và trong, ngước mắt nhìn lên tôi có thể thấy rõ hải ngân hà và thỉnh thoảng một ngôi sao băng lại xẹt qua, mang theo một điều ước.
Ngày 5, 6 : Pangong – Tso Moriri (11 tiếng), Tso Moriri – Leh (8 tiếng)
Sáng sớm nay tôi lên đường từ Pangong đi Tso Moriri. Có đường thẳng nối giữa hai hồ nhưng đường này nằm sát biên giới Trung Quốc, chỉ có người Trung và người Ấn mới được đi. Vì thế xe phải đi vòng lại check point Karu ngay gần Leh, khiến chặng đường sẽ dài 11 tiếng.
Sáng nay, sau một đêm mệt và lạnh ở Pangong, mọi người trong xe đều ngủ cả. Tôi có nhiều thời gian hơn để ngắm cảnh. Ánh nắng buổi ban mai cũng khiến bầu trời xanh hơn. Những mảng sáng tối pha trộn khiến cảnh sắc núi đồi, hồ suối có chiều sâu hơn. Bỗng tôi thấy mình đang thả lòng theo tiếng nhạc, đu theo từng đường cong của con đường đèo. Trước phong cảnh thiên nhiên rộng lớn và hùng vĩ, cùng với độ cao sắp chạm đỉnh 5300m, tôi mơ màng cùng một chút phiêu diêu.
Ở khu vực này, các quân đội Ấn có mặt ở khắp mọi nơi. Đường từ Chang La xuống Leh hay bị tắc do nhiều xe chở quân hết lên lại xuống, đan vào dòng xe du lịch, tránh nhau trên đoạn đường hẹp trải đá.
Nếu như đường đi Pangong phần lớn là những khúc cua tay áo với tầm nhìn rộng xuống thung lũng ở hai bên đèo Chang La, đường đi Tso Moriri lại hoàn toàn khác, bản thân tôi thấy có phần lãng mạn hơn.
Có 2 đường đi Tso Moriri.
Đường lúc đi : Karu – Chumathang – Tso Kiagar – Tso Moriri
Ban đầu, xe men theo bờ sông Indus (sông Singee Tsangpo), lá cây nhuộm vàng hai bên bờ, khiến khung cảnh vừa hoang sơ, vừa hữu tình. Đi được tầm ba tiếng, đường dần dời xa bờ sông và lạc vào giữa những hẻm núi cao sừng sững. Rồi xe lên dốc, lại những khúc cua tay áo nhưng không dài và cao như đi Pangong. Đến độ cao tầm 4600m, trước mặt tôi là một thảo nguyên bao la, chính giữa là hồ Tso Kiagar. Mùa này, cỏ và rêu đều đã ngả nâu nhạt, làm nổi bật màu nước xanh thẳm. Tôi yêu màu xanh ấy, yêu cái nắng vàng cuối chiều, yêu những chú ngựa thẩn tha gặm cỏ, yêu con đường uốn lượn men theo hồ tung bụi mù mịt mỗi khi có xe nào chạy qua.
Rồi Tso Moriri cũng hiện ra trước mặt khi mặt trời đã lặn hẳn sau rặng núi, chỉ để lại một vầng hào quang cuối cùng.
Đường về : Tso Moriri – Tso Kar (hồ muối) – Tanglang la (5328 m) – Karu – Leh
Phong cảnh phía này hoang sơ hơn đường đi dọc sông Indus ngày hôm qua. Xe xuyên qua hoang mạc. Hồ muối Tso Kar mang một vẻ đẹp lạ, vừa gai góc, vừa đơn độc. Những đường cua đưa xe lên đến đèo Tanglang La ở độ cao 5328 m (cũng có biển viết là con đèo cao thứ 2 thế giới hệt như đèo Chang La). Phía bên kia đèo, những dải núi nâu trải dài, nối nhau, bao la hút tầm mắt.
Đến cuối con đường, xe đưa chúng tôi trở lại thung lũng sông Indus. Tôi sắp được về Leh. Sau những chặng đường dài vất vả, về Leh sao ấm áp như về nhà !
Ngày 7 : Đi xe máy ở Leh, tu viện Stok, Matho, Starna
Hôm nay chúng tôi dành một ngày đi loanh quanh thăm các tu viện gần Leh (Stok, Matho, Starna) bằng xe máy. Không như Hermis, những nơi này đều vắng lặng và yên ắng, mang đúng vẻ thanh tịnh của chốn tu hành. Tôi có thể đứng cả ngày trên đỉnh tu viện Matho mà không biết chán, để ngắm thung lũng sông Indus đang vàng đúng độ thu, để gió từ những đỉnh núi cao tuyết phủ kia thổi bồng mái tóc.
Tu viện Starna mà mọi người hay gọi là Mũi Hổ nằm trên một mỏm núi nhỏ sát bờ sông Indus xanh uốn mình mềm như lụa. Từ xa nhìn lại, Starna tưởng chừng bước ra từ một trang cổ tích, nơi cảnh sắc hài hòa và cảm xúc an nhiên.
Phần 3 : Zanskar
Ngày 8: Leh – Tu viện Pasgo – Tu viện Alchi – Lamayuru – Mulberk- Kargil (222 km, 8 tiếng)
Sáng nay chúng tôi rời Leh, ngoảnh mặt nhìn lần cuối, Leh đã trở nên thân thương từ lúc nào.
Đường từ Leh đi Kargil có nhiều tu viện nhỏ, có phần cổ xưa hơn khu vực quanh Leh, đặc biệt là Alchi, được xây từ thế kỉ XI, bên trong có nhiều tượng cổ và một khu vườn nhỏ yên tĩnh, khiến ai đến đây cũng thấy thanh thản, bao mệt mỏi, muộn phiền đều bay biến hết.
Nhờ cấu trúc địa chất đặc biệt, khu vực quanh Lamayuru được gọi là Moonland. Người ta kể rằng nơi này cách đây vài trăm năm nằm dưới đáy hồ, nay đã cạn khô.
Sau một ngày dài, chúng tôi đến được Kargil khi những ánh nắng cuối ngày đã tắt hẳn. Kargil là một mảnh ghép lạ, một mảnh ghép tối trầm trong bức tranh muôn màu Ladakh. Tôi bắt gặp một thành phố đìu hiu. Mới 6, 7 giờ tối thứ Bảy, hầu hết cửa hàng đã đóng, chỉ còn một vài quán ăn còn sót lại, trong ánh đèn heo hắt. Kunga, lái xe của chúng tôi giải thích rằng ngày mai là ngày lễ lớn của người theo đạo Hồi (chiếm 90% dân số thành phố), tất cả mọi thứ đều đóng cửa sớm, và sáng mai cả thành phố sẽ bị cô lập hoàn toàn.
Trong quán ăn duy nhất còn mở cửa và có bán thịt, một quán cơm bình dân, vài người Kargil cắm cúi ăn, những ánh nhìn lặng lẽ, khắc khổ dán xuống mặt bàn.
Ngày 9: Kargil – thung lũng Suru – Rangdum – Hồ đôi Lang Tso, Stat Tso – Sông băng Drang-Drung – Padum (240 km, 12 tiếng)
Chúng tôi rời Kargil từ rất sớm, trước khi thành phố thức giấc, vừa tránh bị kẹt lại đây khi các con đường đều bị phong tỏa, vừa để đến được Padum trước khi trời tối. Ngày hôm nay là một chặng đường rất dài, dù chỉ hơn 240 km nhưng sẽ đi hết 12, 13 tiếng vì đường xấu, có nhiều đoạn nhỏ hẹp như đường trek.
Những khúc quanh đưa chúng tôi lên thung lũng cao Suru (thung lũng Hoa) nằm giữa những triền núi hiểm trở, trong đó có hai đỉnh núi cao nhất vùng Nun và Kun, hơn 7000 m. Bao quanh bởi những rặng núi sắc lẻm, quanh năm tuyết phủ, Rangdum nằm giữa một lòng chảo mênh mông, ở ngay nơi tưởng chừng lẻ loi, cô độc nhất, không có gì ngoài gió lồng lộng và nắng chói chang.
Hồ đôi Lang Tso – Stat Tso và sông băng Drang-Drung nằm hai bên đèo Pensi (Pensi La), cánh cổng vào thung lũng Zanskar. Phía bên kia đèo, về phía Padum, những hoang mạc cằn khô sỏi đá nhường dần chỗ cho một quang cảnh sống động hơn, ấm cúng hơn. Những ngôi làng nhỏ nép mình dưới chân núi, vài con bò yak lông đen dài lang thang đây đó. Trên triền đồi, men bờ suối, lá vàng mơn man, sưởi ấm một chiều thu đầy nắng.
Ở làng Ating, trước Padum tầm 30 phút đi xe, người ta đang bắn lượt tên cuối cùng của vòng bán kết thi bắn cung khi chúng tôi đi qua. Cả lũ nhảy xuống xe, cùng moị người uống rượu, hát hò như đã quen biết từ lâu lắm. Người Zanskar đón chúng tôi bằng vòng tay hồn hậu. Hỏi ai nỡ không yêu ?
Ngày 10: Làng Sani, tu viện Karsha, tu viện Dzongkul
Padum nằm giữa lòng một thung lũng rộng mênh mang, dưới bóng núi cao phủ tuyết sắc nhọn như răng cưa. Xung quanh đây không thiếu những tu viện đẹp treo mình trên sườn núi, an nhiên tồn tại từ bao đời.
Tôi thích nhất tu viện Karsha, nằm phía bên kia thung lũng so với Padum. Nheo mắt nhìn những dải núi cao sừng sững từ Karsha, tôi thấy mình thật bé nhỏ trước thiên nhiên bao la mà khốc liệt. Trong khuôn viên, nắng chiều gần tàn in bóng lá bay trên những bức tưởng trắng có ô cửa nâu. Không gian nơi này lặng lẽ quá, đơn độc quá. Dừng lại một phút, tôi chỉ nhác thấy gió đang lao xao và nắng đang liêu xiêu, buồn ấm.
Ngày 11: Treking đi tu viện Phuktal, qua làng Cha (12 km, 6 tiếng trek)
Đứng trước Phuktal trong bóng chiều tím lịm, anh bạn tôi bảo “Ở nơi như thế này, không tu thì còn biết làm gì ?”. Câu nói làm tôi bật cười, quên cả mệt sau quãng trek đường dài tầm 12 km, chênh vênh trên độ cao 4000m.
Phuktal là tu viện cổ nhất Zanskar, tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, và theo tôi, cũng là đẹp nhất. Có thể tôi thấy Phuktal đẹp thêm vạn lần vì công sức phải bỏ ra để được một lần chạm tay đến nơi này. Rời khỏi Padum từ 6h30, xe mang tôi vượt qua con đường hơn 30 km, đẹp như thơ nhưng nguy hiểm khó ngờ, đến Anmu lúc 9h10. Từ đây, đoạn trek bắt đầu nhẹ nhàng, không quá lên, không quá xuống, đến làng Cha sau 2 tiếng rưỡi.
Đi khỏi làng Cha, một con dốc cao đợi chúng tôi đúng lúc mặt trời đang nằm trên đỉnh đầu. Sau đó, con đường thoai thoải dốc xuống, có một vài đoạn đá sạt xuống sát mép đường, hơi khó đi một chút nhưng không ai gặp vấn đề gì đặc biệt.
Từ trên cao, tôi mơ màng ngắm nhìn sông Tsarap oằn mình giữa hai hẻm núi hẹp. Sông sao mà trong, mà xanh. Núi sao mà cao, mà rộng. Mặt trời chiều đã chạm mình vào đỉnh núi, tan thành tia, làm nước long lanh, làm hồng mặt đá. Sao lại đẹp đến vậy !
7 km từ làng Cha, chúng tôi đi hết hơn 3 tiếng để đến nhà nghỉ nằm dưới chân tu viện. Phuktal nằm biệt lập hoàn toàn, không sóng điện thoại, không internet. Ở đây, chỉ có mình và thiên nhiên, ta có thể để quên hết muộn phiền.
Ngày 12: Trek Phuktal về Anmu, qua làng Purney (Purne, Purni) (13.5 km, 7 giờ trek)
Đường từ Phuktal về Anmu qua làng Purney dài hơn đường qua làng Cha (ở bên kia sông) một chút (1.5 km). Đường này không bằng phẳng như hôm qua lên xuống không ngừng, qua ba con đèo nhỏ và hai cầu treo bằng gỗ bắc qua sông Tsarap. Rời Phuktal lúc 6h50, sau 3 tiếng, tôi đến Purney.
Purney nằm ở ngã ba sông. Ngay dưới kia, sông Kargiakh xanh đục chảy từ đèo Shingjula (Shingo La) hòa vào dòng chảy trong veo của sông Tsarap. Purney mùa này thật đẹp, lá vàng miên man triền núi, những ngôi nhà trắng nhỏ lặng lẽ nép mình trong nắng sớm còn đang chênh chếch.
Thêm 2 tiếng nữa từ Purney, tôi đến cầu treo thứ hai lúc 12h. Đường leo từ bờ sông lên rất dốc và nhiều đá dăm, không nên đi xuống đường này. Nếu muốn đi trek Phuktal bằng hai đường khác nhau, lúc đi qua làng Cha và về qua Purney là hợp lí hơn cả.
Ngày 13 : Padum – Tu viện Rangdum – Kargil (240 km, 12 tiếng)
Kargil là chặng nghỉ gần như bắt buộc trên quãng đường dài 18 tiếng từ Padum đi Srinagar. Phong cảnh Zanskar trong mắt tôi đã dần trở nên quen thuộc dù mọi thứ vẫn đẹp trên từng khúc quanh. Hôm nay gió mạnh chảy tràn triền núi, xoắn bụi mịt mù khắp thung lũng.
Tôi đến Kargil tối nay mà tưởng mình đang ở một thành phố khác, không còn đìu hiu như 4 ngày trước, đường phố lại rộn ràng, tấp nập. Chỉ có điều internet lại bị cắt từ suốt cả ngày không rõ lí do.
Ngày 14: Kargil – Zoji La – Srinagar (200 km, 6 tiếng)
Hôm nay là ngày cuối cùng chúng tôi ngồi trên xe ô tô. Sau mười mấy ngày rong ruổi, lắc lư trên những chặng đường tuy ngắn về khoảng cách mà dài về thời gian, tôi đã kịp quen với cảm giác ngồi trên ổ gà, không còn nữa chắc sẽ thấy nhớ.
Đường từ Kargil đi Sirinagar có thể gọi là đẹp. Đường được rải nhựa được một phần lớn, chỉ còn một vài đoạn chưa xong hay đang sửa. Đường này đi qua nhiều doanh trại quân đội; xe tải, xe khách nối đuôi nhau. Nhắc đến xe tải, xe ở Ladakh rất đặc biệt. Hầu hết xe được trang trí hoa văn xanh đỏ cầu kì, phía sau viết hoa dòng chữ “Blow horn” được chị bạn tôi tạm dịch thành “Thổi kèn”.
Đến Srinagar, tôi thấy mình hồi sinh. Bao nhiêu mỏi mệt sau chuyến đi dài dường như bay biến hết khi chiếc thuyền nhỏ xinh đưa tôi lướt đi trên mặt hồ yên ả, mát lành. Hồ Dal của Srinagar rất đẹp, tuy không xanh thẳm kiêu kì như hồ Pangong hay Tso Moriri nhưng lại mộc mạc, ấm áp hơn nhiều.
Ở một góc hồ, nhà nổi bằng gỗ được neo lại làm khách sạn cho khách du lịch. Những chiếc thuyền con con, chèo tay, đưa khách từ nhà nổi vào bờ và đi loanh quoanh đây đó. Nắng chiều lan tỏa xuống mặt hồ óng ánh vàng. Đẹp quá, yên bình quá.
Ngày 15: Srinagar – Delhi
Đi thuyền buổi sáng trên hồ Dal cũng rất thú vị và sống động. Nếu muốn đi chợ rau quả nổi địa phương, bạn sẽ phải dậy sớm vì chợ chỉ họp từ 5 giờ đến 7 giờ sáng.
Trưa nay tôi ra sân bay về Delhi, chuẩn bị cho hành trình dài trở về nhà. Sân bay Srinagar cách thành phố khoảng 30 phút đi xe. Không biết có phải do Srinagar vẫn nằm trong vùng giao tranh không mà tôi chưa từng thấy ở đâu kiểm tra hành lí nhiều lần như thế.
Đến gần sân bay, tất cả hành khách phải trình vé máy bay và mang hết đồ xuống xe, soi đồ và khám người lần thứ nhất. Nam được tại chỗ, phụ nữ được đi vào một ô quây rèm như buồng thử quần áo, khám riêng.
Vào cửa sân bay, hành khách lại phải trình vé, soi đồ và khám người lần hai.
Sau khi xếp hàng gửi hành lí kí gửi, hành khách phải soi hành lí xách tay và bị khám người lần ba. Sau đó đi nhận dạng hành lí kí gửi của mình ở bên trong. Vali nào được nhận dạng và đánh dấu mới được cho lên máy bay.
Ở cửa lên máy bay, sau khi kiểm tra thẻ bay, hành khách được khuyến mại khám người thêm lần thứ tư, và có thể bị mở túi xách ra kiểm tra bất kì.
Trên đường ra máy bay, bạn đừng cất thẻ đi vì tiếp viên sẽ kiểm tra thẻ và hộ chiếu thêm hai lần nữa.
Máy bay tôi đi quá cảnh ở Jammu, sát biên giới Pakistan. Sân bay Jammu bao bọc bởi hàng rào rằn ri, ven đường băng có xe thiết giáp đứng chờ sẵn. Khi dừng ở Jammu, sau khi một phần hành khách xuống, nhân viên sân bay đi mở từng ngăn đựng hành lí xách tay, hỏi từng người còn lại xem hành lí còn lại là của ai. Thấy họ kiểm tra quá kĩ, tôi cũng hơi chột dạ. Nhưng thôi, đã ngồi ở đây rồi, không biết lí do thì ta đỡ phải lo !
Phần 4 : Về nhà
Những lúc lầm lũi nhích từng bước chân nặng nề trên con dốc phủ đầy gió bụi, tôi tự hỏi : “mình có một mái nhà, có giường ấm đệm êm, sao không hưởng mà lại dẫn thân đến đây làm gì cho cực ?”. Rồi ngay lúc ấy, tôi nhớ lại những người tôi đã gặp trên đường, nhớ nụ cười hiền hậu của những bà lão đứng trước hiên ngôi nhà trắng với khung cửa nâu, ánh mắt dịu dàng của những bà mẹ bồng con, vẻ mặt ngây thơ của những đứa trẻ sinh ra giữa đồi núi hoang vu, lớn lên như cỏ dại. Tôi cũng nhớ lại những khoảnh khắc hồ nước xanh hiện sau một khúc quanh, hay khi mặt trời lên làm cả không gian sáng bừng sự sống, khi hai dòng nước sông khác màu hòa vào nhau thành một. Và từ đó, tôi biết vì sao tôi lại ở đây. Mỗi chuyến đi khiến tôi thấy mình hạnh phúc hai lần. Một lần khi tôi rảo bước trên con đường dài, khi những hình ảnh đẹp đong đầy mắt và những cảm xúc đẹp đong đầy tim. Và lần còn lại là khi tôi trở về, đẩy cửa vào nhà, nơi những người tôi yêu thương đang chờ đón.
Bài viết về chuẩn bị và kinh nghiệm đi Ladakh : Ladakh, Zanskar – Lịch trình và kinh nghiệm
Bài viết về Phuktal và Zanskar : Đến Phuktal – Chạm vào trái tim Zanskar
Album ảnh Facebook : [India] Ladakh, land of high passes
Em cám ơn chị Ngọc và những người bạn đồng hành đã cho em một chuyến đi trọn vẹn, tràn ngập tiếng cười.