Đi du lịch nhưng vẫn tránh đám đông, tại sao không ?
Các bạn theo dõi blog có lẽ đã biết, bài viết của Cherry Tree on the Moon thường hướng tới các điểm đến vắng vẻ, gần với thiên nhiên. Dạo này, vì lí do mà ai cũng biết đấy, mình cũng hạn chế tới những nơi đông người khi có thể.
Thay vì tới các thành phố và điểm du lịch nổi tiếng, bạn có thể thử lái xe lên rừng dã ngoại hoặc đi leo núi. Đảm bảo cả ngày không gặp ai mà lại được hít thở không khí trong lành. Đi bộ, vận động nhiều cũng rất tốt cho sức khỏe nữa. Biết đâu niềm đam mê mới với thiên nhiên lại trỗi dậy cũng nên :).
Thứ quan trọng nhất cần chuẩn bị cho các hoạt động ngoài trời (outdoor) là một đôi giày thật phù hợp. Trong bài blog này, mình sẽ giới thiệu 4 loại giày thể thao mình thường sử dụng trong các chuyến đi nhé.
Giày chạy, giày training
Giày running và training là 2 loại giày thể thao bình thường mà ta có thể tìm thấy ở bất kì cửa hàng bán giày thể thao nào.
+ Ưu điểm: rất nhẹ, thoáng, êm chân, ngoại hình đẹp, hợp thời trang, dễ phối đồ.
– Nhược điểm: không chống thấm nước, đế khá mềm nên sẽ đau chân và nhanh hỏng nếu đi trên đường nhiều đá, độ bám hơi yếu nên leo trèo dễ bị trượt.
Giày này dành cho các bạn đi chạy hoặc tập gym trong phòng tập, nhưng cũng phù hợp để đi dã ngoại và hiking nhẹ nhàng, đường dốc thoai thoải, không có nhiều đá dăm, không phải lội nước hay leo trèo nhiều.
Rất nhiều hãng có các sản phầm đẹp và tốt như Bitis’, Nike, Adidas, Asics, Reebok, New Balance, v.v.
Giầy hiking
Giầy hiking, đúng như tên gọi của nó, là giày thấp cổ, dành để đi leo núi ngắn trong ngày.
+ Ưu điểm: độ bám rất tốt, đế đủ cứng và dày để không bị đau chân khi bước trên đá, có nhiều loại chống thấm nước tốt để không bị ướt khi trời mưa hay giẫm phải vũng nước.
– Nhược điểm: Những đôi chống thấm nước thì đồng thời cũng hơi bí chân. Giày dáng to, khó phối đồ hơn giày training. Giày hiking thiết kế chắc chắn hơn nên cũng nặng hơn giày chạy. Đế cứng nên nhanh bị đau chân nếu đi trên phố hay đường bằng. Giày thấp cổ nên không ôm cổ chân.
Giày hiking phù hợp để đi leo núi các chặng ngắn trong ngày, độ dốc không quá lớn, dưới 800 m D+, đi dưới 10 tiếng, 20 km. Mặt đường không có quá nhiều đá to hay gồ ghề. Các loại giày hiking có chống thấm (waterproof) thích hợp để đi hiking ở những nơi ẩm ướt hay những ngày trời mưa.
Khi chọn giày hiking, mình luôn tìm loại đế Vibram để có độ bám cao, và phần mặt trên gore-tex để chống thấm nước tốt.
Các hãng mà mình tin tưởng là The North Face, Merrell, Lafuma, Salomon, …, hay rẻ hơn là Decathlon.
Giày trail running
Giầy trail running là loại giày chạy trên núi, lai giữa các ưu, nhược điểm của giày chạy và giày hiking.
+ Ưu điểm: đế khá dày để không bị đau chân khi bước trên đá, khá êm nên đỡ bị đau chân hơn giày hiking khi đi trên đường bằng. Nhẹ hơn giày hiking. Độ bám vừa phải, cao hơn giày chạy. Thoáng mát, không bị bí chân. Nếu lỡ bị ướt thì phơi nhanh khô.
– Nhược điểm: Giày thấp cổ nên không ôm cổ chân. Nặng hơn giày chạy. Ít hãng sản xuất loại giày này hơn giày chạy nên có ít sự lựa chọn hơn. Dáng giày hầm hố như giày hiking nên cũng hơi khó phối đồ nếu bạn nào muốn ăn mặc điệu đà. Không có nhiều loại trail running có chống thấm nước.
Giày trail running là giày chạy offroad, nhưng cũng phù hợp để đi leo núi các chặng ngắn trong những ngày khô ráo. Đường ít dốc, dưới 800 m D+, đi dưới 10 tiếng, 20 km. Mặt đường không trơn trượt, không có quá nhiều đá to hay gồ ghề. Loại giày này thích hợp với nhu cầu leo núi nhẹ nhàng trong ngày của mình, vừa đủ để đi cả trên núi và trên phố, nên được mình dùng nhiều nhất. Thậm chí bây giờ mình đã thay thế toàn bộ các đôi hiking bằng trail running.
Khi tới những vùng khí hậu nóng, mình cũng hạn chế dùng giày chống thấm, mà cứ đi loại bình thường, để nó ướt luôn rồi phơi.
Các hãng có làm loại giày này tốt có tiếng là Salomon, The North Face, La Sportiva, Hoka One One, Brooks, Saucony, v.v.
Giày trekking
Giầy trekking, là giày có cổ cao trên mắt cá chân, dành để đi leo núi đường dài.
+ Ưu điểm: độ bám rất tốt, đế đủ cứng và dày để không bị đau chân khi bước trên đá. Giày cao cổ, ôm cổ chân, giúp không bị trẹo chân. Có nhiều loại chống thấm nước rất tốt để không bị ướt khi trời mưa, đi trong tuyết hay lội suối.
– Nhược điểm: Những đôi chống thấm nước thì đồng thời cũng nóng và bí chân. Giày dáng to, dáng hầm hố, không hợp với mặc đồ điệu. Giày trekking thiết kế chắc chắn nên khá nặng. Đế cứng và cao cổ nên rất nhanh bị đau cả bàn chân lẫn cổ chân nếu đi trên phố hay đường bằng. Giày cứng, khó lái xe.
Giày trekking phù hợp để đi leo núi các chặng dài, độ dốc lớn, trên 800 m D+, đi nhiều ngày, trên các loại địa hình sỏi đá. Các loại giày trekking có chống thấm (waterproof) thích hợp để đi ở những nơi lạnh, nhiều tuyết hay những ngày trời mưa.
Đặc biệt ở những nơi có nhiệt độ thấp, nhiều băng tuyết, mình lắp thêm đinh (crampons), loại có 16 đến 19 mấu sắt nhọn hình tam giác, vào giày để không bị trượt. Giá mua crampons này trên Amazon vào khoảng 15 – 20 USD. (Ví dụ như ở link)
Khi chọn giày trekking, mình luôn tìm loại đế Vibram để có độ bám cao, và phần mặt trên gore-tex để chống thấm nước tốt. Để giày trekking được êm hơn, mình thường thay miếng lót bên trong bán kèm với giày bằng miếng lót gel silicone. Nhưng miếng lót này sẽ làm giày bị chật đi một ít, nên khi mua giày bạn chú ý mang theo miếng lót đi để thử nhé.
Các hãng mà mình thường dùng là The North Face, Keen, Merrell, Lowa, Salomon, …, hoặc rẻ hơn là Decathlon.
Cách chọn cỡ giày hiking và trekking
Khi đi hiking hay trekking, bạn nên nhớ là đi bộ nhiều chân sẽ bị to lên một chút. Vì thế chọn giày leo núi cũng sẽ khác khi mua giày thể thao, thường là lớn hơn từ nửa cỡ đến 1 cỡ.
Nếu đi giày chật sẽ bị đau móng chân khi xuống dốc. Còn đi giày rộng, chân sẽ bị di chuyển trong giày, chà sát làm rộp gan bàn chân.
Để mua được một đôi giày vừa chân, bạn có thể làm theo các bước sau:
- Đi tất cùng loại với loại bạn sẽ dùng để đi leo núi
- Thay miếng lót có sẵn trong giày bằng miếng lót của bạn nếu bạn định dùng miếng lót gel silicone
- Xỏ chân vào giày, không cần buộc dây
- Dịch chân sát lên phía mũi giày, hết mức có thể. Ngón chân để thẳng, không quắp lại.
- Thử bằng 2 ngón tay (ngón trỏ và ngón giữa): đặt ngón tay vào phía gót, nếu vừa khít là giày đó vừa. Nếu khó nhét hoặc thấy hơi rộng là phải lấy cỡ giày khác.
Cách sấy giày chống nước khi bị ướt
Các loại giày hiking và trekking chống nước (waterproof) cực kì hiệu quả để bảo vệ chân bạn khỏi bị ướt khi trời mưa, tuyết, hoặc lội qua những chỗ có nước xâm xấp. Tuy vậy nếu giày này đã bị ướt ở bên trong thì cũng rất khó phơi khô. Nước khó vào thì cũng khó ra :).
Mình rất thường xuyên làm ướt giày do hay bị ngã xuống hồ, thụt xuống hố băng, hoặc bị sóng biển đánh. Sau nhiều lần, mình đã tìm ra cách làm khô giày waterproof khá nhanh như sau:
- Tháo miếng lót giày ra, lau khô.
- Nới thật lỏng dây giày ra
- Thấm hết nước:
- Lấy giấy báo hoặc giấy lau bàn loại dày và xốp, (nếu không có thì có thể lấy giấy vệ sinh, nhưng không tốt bằng vì giấy vệ sinh dễ bị mủn ra khi gặp nước)
- Vo nhẹ giấy thành từng nắm nhỏ tầm nửa nắm tay
- Nhét thật nhiều (khoảng 1 chục) các nắm giấy vào trong giày
- Ấn nhẹ để thấm hết nước trong giày
- Lấy giấy ướt ra và nhét thêm giấy khô vào, lặp lại đến sờ tay thấy bên trong chỉ còn ẩm
- Sấy khô:
- Dùng máy sấy tóc, sấy bên trong giày, không cần sấy bên ngoài. Nhớ cầm máy sấy trên tay, sấy như sấy tóc chứ không thọc máy vào giầy rồi đi làm việc khác kẻo cháy cả giầy lẫn máy.
- Sấy khoảng 20 phút là khô, chú ý sấy kĩ phần mũi giày vì đây là chỗ khó khô nhất mà ngón chân lại hay bị lạnh nhất.
Tổng cộng thời gian xử lí đôi giày ướt theo cách này mất khoảng 1 tiếng. Thay vì cách phơi bình thường sẽ mất khoảng vài ngày đến 1 tuần. Thật sự rất đáng thử nếu bạn chỉ có mỗi 1 đôi giày để đi.
Các loại giày chống thấm nước tốt chỉ cần khô bên trong là lại đi được rồi. Nước từ ngoài sẽ không thấm ngược lại vào trong. Còn phần bên ngoài, để gần lò sưởi (không để giày chạm vào lò sưởi) 1 đêm cũng sẽ tự khô.
Vậy là các bạn đã biết hết các kinh nghiệm về giày thể thao của Cherry Tree on the Moon rồi. Chúc các bạn có những chuyến đi an toàn và vui vẻ nhé.