Chỉ vì cả tuổi thơ lỡ ngắm tầm xuân mà lớn lên trồng một vườn hồng.
Độ này nước Pháp đang phong tỏa. Cuối tuần tôi chả có việc gì khác để làm, nên hay ngồi ngoài hiên nhìn ra vườn hồng, hoặc ngồi bó gối ngắm mấy hạt cây mới gieo nẩy mầm. Bỗng, kí ức kéo tôi về một miền quá khứ rất xa xôi, ngày tôi còn bé xíu. Ngày ấy tôi cũng thích ngồi ngắm vườn, dưới mái hiên.
Tuổi thơ tôi gắn liền với một khu vườn nhỏ, bao quanh bởi một dãy hàng rào thép gai cao ngút. Bên kia hàng rào là một cánh đồng rộng lớn, và những cây xoan hoa tím xào xạc. Ngay chỗ rậm rạp nhất cuối vườn, chỗ mà tôi không bao giờ được phép bén mảng tới, có giàn tầm xuân lúc nào cũng tươi tốt. Hoa tầm xuân và hoa xoan đều ở cao, còn tôi thì lũn chũn bên dưới. Từ mái hiên, tôi chỉ có thể kiễng chân ngó lên nên đối với tôi, chúng là cả một khoảng trời. Khoảng trời mùa xuân êm đềm rất đẹp và rất thơm.
Lớn lên, tôi đã tự mình trồng cả một vườn hồng để có thể thỏa thích ngắm nhìn và hít hà. Nhưng có lẽ, đối với tôi, không khóm hồng nào có thể sánh bằng những cánh tầm xuân mảnh mai, nhụy vàng, tỏa hương hăng hắc của những buổi chiều êm êm thủa nhỏ.
Bài blog này mình viết sau vài năm trồng hoa hồng, vật lộn với khá nhiều thứ bệnh trên hoa và lượm nhặt kinh nghiệm của các bạn cả Việt Nam và nước ngoài. Đây là loại hoa rất đẹp nhưng hơi khó tính, đươc gọi là nữ hoàng của các loại hoa, nên mình cũng đành phải chạy theo làm nô tì cho nó vậy.
Các bí quyết của mình chỉ dành riêng cho những nơi có khí hậu ôn đới 4 mùa. Mùa hè mát mẻ, hiếm khi vượt quá 30°C. Mùa đông lạnh, có khi xuống dưới 0°C. Vì thế các kinh nghiệm này có thể sẽ không hoàn toàn phù hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm cũng như nguồn giống, vật liệu có thể tìm thấy ở Việt Nam, bạn nhé.
Chọn nguồn mua
Đây là bước đầu tiên khi bạn muốn có một khóm hồng. Mình thường mua cây giống ở các cửa hàng chính hãng, chủ yếu của 2 nhà lai tạo giống hồng nổi tiếng nhất là David Austin (của Anh) và Meilland Richardier (của Pháp). David Austin thì chắc ai cũng biết rồi, là người đã lai tạo ra hàng ngàn giống hồng Anh đẹp ngây ngất. Còn Meilland Richardier là hãng nổi tiếng ở Pháp, tạo ra nhiều giống leo rất đẹp như Eden (tên ở Pháp là Pierre de Ronsard), Red Eden (Eric Tabarly) …, hay các giống hồng trà (tea rose) Pháp như Balzac, Father’s love (Alain Souchon), Papa Meilland …
Website:
Các cửa hàng online này có vận chuyển cây giống ra nước ngoài, ví dụ như châu Âu, Mỹ, Úc …
Sau khi mua và trồng thử nhiều cây rễ trần, cây có bầu đất nhỏ, hoặc cây con trong bình 2 lít, 5 lít … thì mình thấy cây rễ trần phát triển tốt nhất. Từ lúc trồng đến lúc có hoa chỉ mất khoảng 2 đến 3 tháng. Nếu trồng vào tháng 3 (mùa xuân) thì cuối tháng 5 có hoa luôn. Trồng vào tháng 11 (mùa thu) thì hè năm sau mới ra hoa vì mùa đông cây nghỉ.
Mình cũng đã từng mua thử cây giống đã có hoa sẵn của một số nhà vườn khác, cùng là giống của DA hoặc MR nhưng do loại cây này thường được trong chậu kích thước quá nhỏ so với cây và được bón thúc để ra hoa nên cành xốp, cây rất yếu. Mang về nhà trồng phải mất mấy năm mới phục hồi được. Mình thấy không nên mua loại này.
Tóm lại: Nếu có điều kiện, bạn nên mua cây ghép, rễ trần của DA hoặc MR trên website của hãng hoặc mua cây giống loại chưa ra hoa.
Chọn giống cây
Có rất nhiều loại hoa hồng: cây leo, cây bụi, cây dáng tree …, và nhiều dòng hoa khác nhau: hồng trà, hổng cổ, hồng Anh …., có loại lặp hoa, có loại chỉ ra hoa mỗi năm 1 đến 2 lần. Các dòng hoa hồng có cách chăm sóc khá giống nhau. Cách tỉa cành và tán khác nhau một chút.
Để chọn giống cây, quan trọng nhất là phải hợp khí hậu. Bạn có thể hỏi thăm hàng xóm, bạn bè sống quanh vùng xem giống hoa nào mọc tốt ở vùng khi hậu của bạn. Hoặc tới các cửa hàng chuyên bán hoa và cây cảnh gần nhà ngắm xem họ bán những giống nào. Ví dụ có nhiều giống chịu nóng tốt nhưng không thể chịu được nhiệt độ thấp, môi trường khắc nghiệt. Cũng có giống chịu lạnh giỏi nhưng vào nơi nóng, ẩm lại hay bị nấm và sâu bệnh, v.v.
Ngoài ra, bạn nên xác định xem mình muốn loại hoa như thế nào bằng cách trả lời các câu hỏi :
- Hoa màu gì ? => hoa hồng có rất nhiều màu, trắng, đỏ, cam, hồng, xanh, tím, đen, loang 2, 3 màu …
- Hoa to, mỗi cành 1 bông hay hoa nhỏ, hoa chùm ? => Hồng trà thì ít hoa hơn hồng Anh. Thường mỗi cành hồng trà chỉ có 1 bông, cành to, cứng cáp nhưng ít cành. Hồng Anh cành lá xum xuê, cành mảnh mai và dày hoa.
- Hoa lặp nhiều hay chỉ nở tưng bừng mỗi năm 1 lần ? => Hồng cổ châu Âu thường ít lặp hoa, hồng trà Pháp và hồng Anh lặp hoa nhiều hơn. Loại cây mỗi năm chỉ bung lụa 1 lần thì tất nhiên khi nở sẽ vô cùng đẹp và rực rỡ.
- Hoa ít cánh hay nhiều cánh ? => Hồng trà Pháp mỗi bông ít cánh hơn hồng Anh.
- Cây hoa nhỏ nhưng dễ nuôi hay hoa to đẹp mà khó tính ? => Cây hoa bụi loại hoa bé (đường kính dưới 5 cm) mà ta hay thấy trồng ngoài bùng binh, vỉa hè, thường chịu bệnh tốt và ít phải chăm sóc hơn các giống hồng trà, hồng Anh. Hoa càng đẹp thì càng ỏng eo kiêu kì, lẽ thường là vậy. Hồng của DA giống càng mới càng ít bệnh, các giống cũ hay bị đốm đen. Hồng trà Pháp hay bị rệp.
- Cây cao leo hàng rào hay cây dáng tree, cây bụi cao, bụi thấp ? => Tùy vào thiết kế vườn nhà bạn và số tiền bạn muốn bỏ ra. Cây dáng tree đắt nhất, gấp 2, 3 lần các loại khác.
- Hoa thơm nhiều hay ít ? => Hồng trà Pháp có nhiều loại hương thơm nức. Hồng Anh hương nhẹ nhàng hơn.
- Trồng hoa ở chỗ rất nhiều nắng, chỉ nắng buổi sáng hay chỉ nắng buổi chiều ? => Hoa hồng rất thích nắng nhưng có một số giống không chịu được nắng quá gắt, hoa dễ bị cháy, ví dụ như Sentimental hay Princess de Monaco. Mình để ý thấy các giống hoa màu vàng cần ít ánh sáng hơn nên có thể trồng ở chỗ không nhiều nắng lắm.
Một vài giống hoa đẹp
Ví dụ một số giống hoa đẹp và tương đối dễ nuôi ở khí hậu ôn đới, lạnh vừa phải, ít mưa, như miền Nam Pháp, nơi mình ở:
- Princess Alexandra of Kent: của David Austin (Anh), hồng Anh, cánh cuộn, hoa màu hồng tươi, cây bụi, hoa lặp suốt mùa hè, khá bền, khoảng 5 ngày, mùi thơm nhẹ, bông đường kính 12-15. Cây ít bệnh, ít rệp.
- Jubilee Celebration: của David Austin (Anh), hồng Anh, cánh cuộn, hoa màu hồng cam, cây bụi, hoa lặp suốt mùa hè, khá bền, khoảng 5 ngày, mùi thơm nhẹ, bông đường kính 10-12. Cây ít bệnh.
- Spirit of Freedom: của David Austin (Anh), hồng Anh, cánh cuộn, bông cúp, hoa màu hồng phấn, cây bụi cao, hoa lặp suốt mùa hè, khá bền, khoảng 5 ngày, mùi thơm nhẹ, bông đường kính 10-12. Cây ít bệnh.
- Eden, còn gọi là Pierre de Ronsard: của Meilland Richardier (Pháp), hoa màu hồng phớt viền trắng, cây leo hơn 2m, mỗi năm nở hoa 2 lần vào cuối xuân và đầu thu, hoa rất bền, khoảng 1, 2 tuần, không thơm, bông đường kính 10 cm. Cây ít nấm, nhưng rất nhiều rệp.
- Prince Jardinier: của Meilland (Pháp), hồng trà, hoa màu hồng phấn, cây bụi, hoa lặp suốt mùa hè, khá bền, khoảng 7 ngày, mùi thơm nhẹ, bông đường kính 12 cm. Cây ít bệnh.
- Father’s love, còn gọi là Alain Souchon: của Meilland (Pháp), hồng trà, hoa màu đỏ tươi, cây bụi, hoa lặp suốt mùa hè, khá bền, khoảng 10 ngày, mùi thơm nhẹ, bông đường kính 12 cm. Cây ít bệnh.
- Sweet love, còn gọi là Harmisty: của Harkness (Anh), hồng trà, hoa màu quả mơ nhạt, cây bụi, hoa lặp suốt mùa hè, khá bền, khoảng 1 tuần, mùi thơm sực nức, bông đường kính 12 cm. Cây ít bệnh, ít rệp.
- Music Hall: của Edirose (Pháp), nhìn thoáng qua khá giống Jubilee Celebration của DA nhưng cây cứng cáp hơn, hoa xoáy tròn, nhiều cánh, màu hồng cam tươi, cây bụi, hoa lặp suốt mùa hè, hoa bền hơn Jubilee, khoảng hơn 1 tuần, hương thơm nhẹ, bông đường kính 10-12 cm. Cây rất ít bệnh, ít rệp. Mình đánh giá đáng trồng hơn Jubilee.
- Rose de 4 vents: của Delbard (Pháp), hoa dáng lạ, cánh xếp như bắp cải, màu đỏ thẫm, cánh dày, cây bụi, hoa lặp suốt hè, hoa khá bền, khoảng 1 tuần, mùi thơm nhẹ, bông to khổng lồ đường kính 15 cm. Cây rất ít bệnh, ít rệp nhưng hoa chịu mưa rất kém, không nên trồng ở vùng mưa nhiều. …
Trồng cây
Hoa hồng cần rất nhiều đất và nhiều nắng. Vì thế nên ưu tiên trồng ra những khoảnh vườn đón nắng ít nhất 6 tiếng mỗi ngày. Nếu trồng vào chậu thì cần chậu thật to, đường kính 50 cm, sâu 50 cm trở lên và phải thay đất hàng năm, cần được chăm sóc cầu kì hơn. Vì thế, mình thường trồng cây ra đất vườn ngay khi có thể.
- Với cây rễ trần, ngâm rễ cây vào nước bùn trộn từ đất vườn và nước trong khoảng 10, 12 tiếng trước khi trồng. Với cây có bầu hoặc trong chậu, tưới đẫm nước trước khi trồng.
- Đào 1 lỗ rộng 50×50 cm, sâu 40-50 cm.
- Trộn 1 phần đất vườn vừa được đào lên với vài xẻng đất mùn mua ở siêu thị, 1 ít phân bón hữu cơ theo liều lượng ghi trên bao bì. Dùng hỗn hợp này lót xuống dưới lỗ và lấp 4 phía.
- Trồng sao cho mắt ghép nằm lấp ló đúng mặt đất, không cao quá cũng không thấp quá.
- Dùng chân nẹn đất xung quanh cây cho đất xẹp xuống. Tưới nước đẫm (khoảng 10 lít)
- Sau khi trồng, tưới 1 tuần 3 lần, mỗi lần 4 lít, trừ những ngày mưa.
Ở các nước ôn đới, thường trồng cây vào đầu xuân (tháng 3) hoặc cuối thu (cuối tháng 10, đầu tháng 11). Nhưng mình thấy trồng cây vào mùa xuân có tỉ lệ sống cao hơn mùa thu. Chú ý không trồng cây vào ngày lạnh, nhiệt độ ban đêm dưới 0°C.
Cắt tỉa hoa tàn
Không nên tỉa từng bông hoa ngay khi hoa vừa tàn mà nên tỉa theo đợt. Cắt hết hoa tàn và cành chột (cành không ra hoa) của toàn bộ cây trong 1 lần. Như vậy mỗi đợt hoa sẽ đều hơn và hoa nở xum xuê, đẹp hơn.
Trước khi cắt, mình tẩy trùng kéo thật sạch bằng cồn hoặc rửa xà phòng rồi lau khô. Kéo dùng loại sắc để không làm dập cành.
Đếm 3 lá chính (lá có 5, 7 lá con) tính từ bông hoa và cắt ngay trên lá thứ 3, chéo 45°, cách 0.5 cm, mặt cắt hướng về hướng ngược lại với lá để khi mưa nước không chảy về phía mầm.
Cắt tỉa cành và tán cây
Ngoài cắt hoa tàn thì cũng mỗi năm cũng cần tỉa cành cho hoa hồng 1 đến 2 lần.
Mình thường tỉa 2 lần, mùa thu cắt tạm cành cho ngắn đi để mùa đông mưa gió cây đỡ bị lay quật nhiều. Nếu lười thì có thể bỏ qua bước này. Mùa xuân mới là lần tỉa chính. Mình ở Bắc bán cầu, vùng khá ấm, nên mình tỉa cây vào đầu tháng 3. Bạn nào ở vùng lạnh hơn thì có thể đợi tới cuối tháng 3. Nam bán cầu thì chọn mùa xuân tương ứng. Chú ý theo dõi cây, khi cây bắt đầu hơi nhú mầm 1 chút là tỉa được rồi. Không tỉa cây vào những ngày lạnh, ban đêm nhiệt độ xuống dưới 0.
Mỗi loại cây có cách tỉa tán hơi nhác nhau 1 chút xíu. Mình cần xác định cây đó là loại nào để cắt tỉa cho đúng. Nếu không biết cây nhà bạn là loại nào, bạn có thể tìm hiểu trên Google.
- Hồng trà: năm đầu cắt cành thật ngắn, cách gốc 2, 3 mắt (chỉ khoảng 15-20 cm). Các năm năm nào cắt cành mới mọc của năm đó, mỗi cành chỉ để dài khoảng 15-20 cm. Loại hồng này phải tỉa thật sâu thì hoa mới to và gốc không bị già cỗi nhanh. Cắt hết các cành chết, cành tăm và yếu, cắt bớt cành mọc hướng vào trong để cây được thoáng. Sau khi cắt xong, cây nhìn như một đống củi khô, nhưng không sao, chỉ vài ngày sau sẽ bật mầm rất đẹp
- Hồng Anh: các giống hồng Anh không cần cắt ngắn bằng hồng trà. Năm đầu cắt ngắn cành, để cách gốc khoảng 40 cm. Từ các năm sau tỉa cây để cao khoảng 50, 60 cm. Cắt hết các cành chết, cành tăm và yếu (cành nhỏ hơn đầu đũa).
- Hồng leo: tỉa hết cành con mọc ra từ cành chính, chỉ để lại khoảng 1cm tính từ cành chính, mầm mới sẽ bật từ cuống các cành con đó. Cắt các cành chính quá già sát gốc để mầm mới bật từ gốc.
Sau khi tỉa cành xong, mình vặt hết lá của năm trước (nếu có) và nhặt hết lá rụng dưới gốc để tránh truyền bệnh giữa các năm. Có những năm mùa đông không lạnh, cây còn sót nhiều lá năm trước, vặt lá cực lắm những vẫn phải làm thôi. Phải vặt lá sớm trước khi cây mọc mầm để không làm tổn thương các mầm mới.
Cành và lá tỉa xong cần gom lại và đốt hoặc đem vứt vào thùng rác. Không để lại lá và cành dưới gốc hồng, không vứt vào thùng ủ phân hữu cơ vì sẽ thành nơi ủ bệnh, hoa hồng nhiều bệnh lắm.
Bón phân
Sau khi tỉa cành vào mùa xuân, mình sẽ nhổ cỏ dại quanh gốc và bón phân lần đầu tiên cho cây. Mỗi năm mình bón phân khoảng 3 lần, sau khi tỉa cành và sau mỗi đợt hoa để cây tiếp tục phát triển. Mùa đông không bón phân, để cây nghỉ.
Do chỗ mình không thể tìm được các loại phân ủ như ở Việt Nam nên mình dùng chủ yếu 2 loại là phân hóa học dành cho hoa hồng và phân hữu cơ làm từ tảo biển, dành cho rau củ dùng trong nông nghiệp organic, theo liều lượng ghi trên bao bì. Năm nào rảnh rỗi hơn nữa (như năm nay) thì mình ném thêm cho mỗi cây 1 nắm nhỏ phân làm từ máu khô.
Trước đây mình đã từng dùng thử phân ngựa ủ nhưng loại này có quá nhiều sùng đất (ấu trùng bọ hung), ăn hết cả rễ cây nên mình không dám dùng nữa. Nếu thích thì bạn có thể dùng loại phân ngựa ủ sấy khô.
Tất cả các loại phân bón này đều được bán ở các siêu thị lớn hoặc các cửa hàng chuyên về cây. Ví dụ như ở Pháp thì có ở Carrefour, Auchan, Truffaut, Botanic, Jardiland và các cửa hàng bán cây cảnh, cây ăn quả ở ngoại ô.
Sau khi bón phân, mình xới gốc để trộn phân bón với đất, và tưới ẩm nếu trời không mưa, giúp cây hấp thụ nhanh hơn.
Ngoài ra, mỗi lần nấu cơm mình tưới thêm nước vo gạo. Vườn có hàng trăm cây nên mỗi năm, mỗi cây chỉ được nước gạo vài lần thôi. Lúc nào chăm chỉ hơn thì 1 tháng 1 lần, mình tưới thêm nước giải pha loãng với 10 lít nước, tưới mỗi cây 4 lít, nhưng cũng chỉ tưới vào mùa xuân, hè và thu thôi, mùa đông để cây nghỉ.
Tưới nước
Các nước ôn đới không nóng bằng Việt Nam nên không cần phải ngày nào cũng tưới 2 lần. Mình chỉ tưới nước vào mùa hè, mỗi tuần 2 lần, nếu nóng quá thì 3 lần. Tốt nhất là nước giếng, nước mưa, không có thì tưới nước máy.
Mình tưới nước theo các qui tắc:
- Không tưới ướt lá. Vùng ôn đới không nóng như Việt Nam, nếu tưới ướt lá sẽ lâu khô, lá dễ bị nấm
- Tưới vào buổi tối muộn. Nếu bạn dậy đủ sớm trước khi mặt trời mọc thì tưới vào lúc sáng sớm cũng được. Nhưng tưới buổi tối, khi mặt trời vừa lặn là tốt nhất. Vì nếu tưới vào ban ngày, hơi ẩm bốc lên dưới ánh mặt trời cũng làm cây dễ bị nấm
- Tưới ít lần nhưng mỗi lần tưới nhiều. Cách này tốt hơn tưới nhiều lần mà mỗi lần chỉ tưới 1 tí nước. Vì nếu tưới quá ít nước mỗi lần, chỉ có bề mặt đất ẩm thôi, nước không đủ thấm xuống dưới. Mỗi lần mình tưới khoảng 4, 5 lít cho 1 cây trồng ngoài đất. Cây trồng trong chậu phải có lỗ thoát nước tốt để không bị úng.
- Tưới từ từ. Tưới nhiều nước nhưng phải tưới từ từ. Không xách xô đổ ào 1 phát vì nước sẽ trôi tuột đi mất. Nếu có thể thì nên tưới vừa đủ chậm để nước kịp thấm xuống đất. Vì vườn có quá nhiều cây nên mình chọn cách đặt ống tự động tưới vào lúc nửa đêm, nhỏ giọt 4 lít nước trong vòng nửa tiếng. Hệ thống tưới nhỏ giọt tự động rất dễ lắp đặt. Ví dụ mình tự làm cho khu vườn có khoảng 60 cây hồng, và chục m2 trồng rau, hết 1 ngày cuối tuần và 100€ tiền vật liệu.
Chữa bệnh
Hoa hồng có thể mắc khá nhiều bệnh, nhưng nếu tưới nước và tỉa cây, gom lá rụng đúng cách thì đã bớt nhiều rồi. Cây của mình chỉ có 4 bệnh thỉnh thoảng gặp là: đốm đen, nấm trắng, rệp và nhện đỏ. Ở vùng ôn đới hầu như không bị trĩ (may quá).
Cách chữa rệp
Rệp xanh thường xuất hiện khi cây đang mọc mầm, tầm đầu tháng 4 là nhiều nhất. Nếu không sớm tiêu diệt thì nó sẽ hút hết nhựa ở mầm cây và làm rụng nụ hoa.
Nếu có ít rệp, mình đi soi từng mầm và lấy tay bóp hoặc lau bằng giấy ăn. Nhiều hơn chút thì có thể mua ấu trùng bọ rùa (ladybugs) ở cửa hàng bán cây. Bọ rùa và ấu trùng của chúng ăn rệp rất khỏe. Đây là cách tự nhiên, thân thiện với môi trường. Nhưng nếu nhiều rệp quá thì đành dùng thuốc.
Cách đây vài năm ở Pháp có một loại thuốc chữa sâu bệnh rất hiệu quả nhưng đã bị cấm, chỉ còn bán mấy loại không có tác dụng gì hết. Phun lên hôm sau ra xem thấy rệp đang nhe răng cười.
Bây giờ cách hiệu quả nhất trên diện rộng là phun nước xà phòng đen (black soap / savon noir) pha loãng với nước theo công thức ghi trên bao bì. Đây thực ra là xà phòng pha với dầu thực vật nên không có hại cho sức khỏe người dùng. Có thể thay thế bằng nước rửa bát pha với dầu ăn và nước.
Đợi lúc mặt trời sắp lặn, phun dung dịch lên ướt đẫm cả ngọn và 2 mặt lá non. Đợi 15 phút rồi tráng lại cây bằng nước sạch. Bước sau cùng rất quan trọng, vì nếu bạn lỡ tay pha dung dịch hơi đặc và không tráng lại thì ngọn mầm sẽ bị cháy hết. Tuyệt đối không phun vào ban ngày. Tráng nước xong nhớ rung tán lá để bớt nước đọng trên lá, tránh bị nấm.
Cách chữa nhện đỏ
Nhện đỏ thường xuất hiện ở mặt dưới lá, vào mùa hè, lúc trời khô, ở những cây không được hứng nước mưa, ví dụ như cây trồng trên ban công có mái che. Nếu mặt trên lá bắt đầu có các đốm trắng tức là đã bị nhện rồi.
Nhện đỏ không thích dính nước nên mình thường chữa bằng cách kéo chậu cây ra ngoài trời mưa để nước mưa rửa lá, hoặc ban đêm phun nước hoặc dùng khăn ướt lau mặt dưới lá. Cách này có hiệu quả khi cây mới chớm bệnh, còn ít nhện.
Mình có 1 mẹo để phát hiện nhện đỏ từ sớm là trồng sát mỗi gốc cây hoa hồng một cây cúc vạn thọ nhỏ. Nhện bao giờ cũng bu vào cúc vạn thọ trước khi chạy sang cây hồng, nên bạn sẽ thấy chúng xuất hiện và tiêu diệt khi chúng còn ít.
Với những cây bị nặng thì đành phải phun thuốc hóa học, mua ở siêu thị hoặc hàng bán cây cảnh.
Cách chữa nấm
Trong các loại bệnh thì mình thấy nấm khó chữa hơn rệp và nhện rất nhiều. Vì các loại thuốc hóa học cũng ít có tác dụng. Bệnh này thì phòng tốt hơn chữa. Muốn phòng bệnh, cần thực hiện tưới nước và tỉa cây, gom lá như mình đã viết ở trên.
Vườn mình có 2 loại nấm chính là đốm đen và phấn trắng. Đốm đen là lá có đốm màu đen, xong lá úa vàng và rụng. Phấn trắng là lá và cành có một lớp trắng như lông tơ, bám trên bề mặt. Nấm hay xuất hiện từ đầu hè trở đi, vào những đợt nóng và mưa nhiều, hoặc chợt nắng chợt mưa.
Nếu cây lỡ bị nấm rồi, mình sẽ đi vặt hết các lá bệnh rồi tiêu hủy ngay, không để lại trong vườn. Thợ làm vườn chuyên nghiệp khuyên mình phun sulfat đồng để phòng và trị bệnh, nhưng dung dịch này để lại đốm xanh loang lổ trên lá cây, trông hơi xấu xí.
Riêng phấn trắng, có 1 nguyên nhân nữa là độ pH của đất. Cây trồng trong chậu hay bị phấn trắng do chậu có nhiều đất mùn. Có 1 lần mình trộn nhầm loại đất chua dành cho hoa cẩm tú cầu, làm chết nguyên 1 lứa cây. Vì thế nếu bạn thực hiện đúng các cách phòng bệnh mà mình viết ở trên mà vườn cây của bạn hay bị phấn trắng lặp đi lặp lại, chữa mãi không khỏi, thì có thể là đất nhà bạn bị chua rồi. Bạn có thể kiểm tra bằng cách mua 1 que thử pH đất, bán ở cửa hàng cây cảnh. Và mua loại bột cân bằng pH đất có suất xứ từ tảo biển và đá vôi, hoặc nhanh nhất là đổ chậu ra, thay đất khác.
Tất cả bí quyết trồng hoa của mình là vậy. Chúc các bạn có những khóm hồng thật đẹp nhé.