Cách đây vài năm, từng có mốt giật tít giá du lịch châu Âu kiểu “1 tháng 40 tr” hay 30 tr 2 tuần Bắc Âu” … Toàn các con số nghe khó tin, nhưng du lịch châu Âu giá rẻ là có thật. Mọi thứ đều có thể, phụ thuộc vào phong cách du lịch của bạn và thêm vài bí quyết đơn giản nữa.
Mình không theo xu hướng tằn tiện, ngủ nhờ, đi nhờ xe, ăn uống dè sẻn … mà mình sẽ liệt kê 10 bí quyết du lịch châu Âu mình hay dùng. Hi vọng giúp bạn bớt chi phí nhưng vẫn tận hưởng được chuyến đi nhé.
Chọn đúng thời điểm
Ai ở châu Âu hay đã tới đây một vài lần hẳn biết du lịch châu Âu có mùa rất rõ rệt. Vào mùa cao điểm, giá phòng khách sạn có thể đắt gấp 2, 3 lần. Giá thuê xe tự lái, vé tàu, vé bus có thể tăng 3-5 lần. Đặc biệt là vé máy bay có thể gấp 10 lần.
Vậy mùa cao điểm du lịch của châu Âu là lúc nào? Đó là lúc trẻ con được nghỉ học. Không như ở Việt Nam, ở châu Âu, học sinh không chỉ có nghỉ hè mà còn có nghỉ Noel, thu, xuân và đông.
- Nghỉ hè 2 tháng 7 và 8
- Nghỉ thu 1, 2 tuần tháng 10
- Nghỉ Noel tuần cuối cùng tháng 12 và tuần đầu tiên của tháng 1
- Nghỉ đông 2 tuần tháng 2
- Nghỉ xuân 2 tuần tháng 4
Đấy, chẳng biết trẻ con Tây đi học lúc nào luôn. Được ba bữa lại nghỉ. Tùy vào từng nước mà các kì nghỉ này có thể xê xịch ít nhiều. Chỉ cần vào google “School holiday” kèm tên nước sẽ ra ngay lịch nghỉ của học sinh. Trong số các kì nghỉ này, “dễ sợ” nhất là tầm 15/7 đến 15/8, và kì nghỉ xuân vì tháng 4 còn có Tuần Lễ Thánh, là lễ hội quan trọng ở một số nước Nam Âu.
Vì vậy chỉ cần biết và né khoảng thời gian cao điểm này ra thì tổng chi phí cho chuyến đi sẽ tự nhiên giảm hẳn 1/3 đến 1 nửa. Mình thấy thời gian lí tưởng nhất để đi du lịch châu Âu là “shoulder season”, tháng 3, 4, 5 (ngoại trừ đợt nghỉ xuân) và tháng 9, 10, đến đầu tháng 11 ở các vùng phía Nam. Thời tiết vừa mát mẻ và giá cả cũng dễ chịu không kém.
Tất nhiên vào mùa thấp điểm như tháng 11, 12, 1, 2, giá còn hạ hơn nữa nhưng thời tiết không được đẹp và nhiều dịch vụ đóng cửa, có thể gây bất tiện cho khách du lịch.
Đặt vé đúng lúc
Mọi người đi châu Âu thường hay rủ nhau đặt vé sớm. Nhưng sớm quá chưa chắc đã tốt.
Châu Âu có rất nhiều các hãng hàng không giá rẻ và khách du lịch nên tìm cách tận dụng các đợt khuyến mại của các hãng này để nhanh tay vớt được vé bèo nhất. Ví dụ đợt trước covid, mình thường đi chơi cuối tuần với vé máy bay chỉ 30 €/2 chiều, hoặc kinh điển nhất là mình từng đi từ Pháp sang Venice chỉ với 2 €/2 chiều, rẻ hơn cả vé bus đi ra sân bay. Ở châu Âu mà phải bay với giá trên 50 €/1 lượt là hơi cao rồi đấy.
Các hãng hàng không giá rẻ này thường mở các đợt hạ giá tầm 1 tháng rưỡi đến 2 tháng trước ngày bay. Ví dụ tháng 1 sẽ mở cho tháng 3, tháng 8 sẽ mở cho tháng 10, vân vân. Để chắc hơn, bạn có thể vào trang web của các hãng và đăng kí nhận thư quảng cáo (news letter) của họ. Lúc có hạ giá họ sẽ gửi e-mail báo. Nhưng nhớ đừng dùng địa chỉ email chính để đăng kí để tránh bị nhận thư rác vào đó nhé.
Một số hãng hàng không giá rẻ châu Âu: Ryanair, Easyjet, Volotea, Vueling, Transavia …
Không lên xem vé máy bay vào cuối tuần
Ở châu Âu dễ vợt được vé rẻ nhưng các hãng bay cũng hay giở “trò mèo”. Đã bao giờ bạn thấy rõ ràng hôm trước mới xem thấy vé giá khá ngon mà cuối tuần rảnh rỗi vào mua thì nó vọt lên gấp mấy lần chưa? Đó là vì các hãng cứ đến thứ 7, Chủ Nhật sẽ nâng giá vé lên. Đừng lo, cứ đợi đến thứ 3 tuần sau, vé sẽ giảm trở lại. Thời điểm tốt nhất để vào mạng xem vé máy bay và chọn mua là thứ ba, thứ tư trong tuần.
Chú ý là bí quyết trên chỉ áp dụng khi bạn mua vé sớm. Nếu sát ngày thì giá sẽ chỉ lên chứ không xuống nữa nhé.
Mình hay tìm vé trên kayak hay skyscanner rồi vào thẳng trang web của hãng hàng không để mua.
Mang đồ vừa đủ
Vẫn là chuyện vé máy bay, các hãng bay châu Âu bán rẻ thế thì họ kiếm tiền bằng cách nào ? Câu trả lời họ sẽ áp rất nặng vào hành lí. Từ sau dịch covid, hầu hết các hãng bay ở châu Âu, kể cả các hãng quốc gia như Airfrance, Lufthansa …, không còn tính hành lí kí gửi trong giá vé nữa mà bắt khách mua thêm. Một số hãng giá rẻ thậm chí còn không có cả vali xách tay. Trong vé cơ bản chỉ cho phép một balo kích thước 40x30x20 cm. Thêm hành lí sẽ tính thêm, và nhiều khi cước phí cho cái vali xách tay 8kg còn đắt gấp đôi vé của khách.
Ví dụ hôm trước mình mua cái vé đi UK giá 10 € mà tính thêm vali xách tay 18 €, nếu mình mua vali kí gửi 15 kg thì sẽ bị tính thêm 30 € nữa, vali càng nặng càng đắt. Nghe tức không? Vì thế, chỉ nên mang hành lí vừa đủ dùng để tiết kiệm tiền vé máy bay nhé.
Đi nhóm ít người
Khách du lịch VN hay có thói quen “đi đông cho rẻ”. Nhưng điều đó không phù hợp với du lịch châu Âu. Châu Âu là nơi có phương tiện công cộng tốt, du khách có thể tới được rất nhiều nơi mà không cần mua landtour. Nếu đi phương tiện công cộng thì 1 người hay 10 người giá vé cho 1 người vẫn vậy thôi, nếu không muốn nói nếu đi 10 người sẽ đắt hơn vì lượng vé rẻ có hạn.
Nhóm lý tưởng nhất khi đi du lịch châu Âu là 4 người.
4 người sẽ ngồi vừa 1 xe ô tô nếu bạn thuê xe tự lái. Ở đây rất hiếm cho thuê loại xe 7 hay 9 chỗ và nếu có thì giá thuê cũng gấp nhiều lần loại xe thông dụng 5 chỗ. Xe 5 chỗ chỉ nên ngồi 4 người vì chỗ ở giữa băng ghế sau thường không được thoải mái lắm.
4 người sẽ vừa vặn một căn hộ 1-2 phòng ngủ. Giá tính theo đầu người cho một căn hộ như thế thường rẻ hơn hẳn ở khách sạn phòng đôi, và nhiều khi chỉ tương đương giá giường ở hostel. Trong các căn hộ còn có bếp và máy giặt. Nếu muốn có thể tự nấu một vài bữa để giảm chi phí ăn tiệm; và giặt đồ, giảm lượng quần áo phải mang theo.
Mua Pass ở các thành phố
Các thành phố du lịch châu Âu thường hay có loại vé combo nhiều hạng mục cho khách, gọi là Pass. Có 2 loại pass. Một là Pass phương tiện công cộng, kiểu vé 1, 2, 3 ngày, 1 tuần. Hai là Pass thăm quan, có thể kèm cả vé phương tiện công cộng. Các loại Pass sẽ giúp di chuyển và thăm quan được nhiều bảo tàng di tích với giá rẻ hơn so với mua từng vé lẻ. Nếu bạn thích bảo tàng hay thăm thú di tích lịch sử thì nên tìm hiểu các loại pass ở các thành phố sắp đến nhé.
Một số thành phố mình đi gần đây và nhớ là có loại pass giá khá hời: Napoli, Lisbone, Grenada …
Tập lái xe
Bốn bí quyết cuối cùng này mình sẽ dành cho các bạn biết lái xe vì đây là một kĩ năng giúp ích rất nhiều trong một chuyến roadtrip châu Âu.
Mình vừa viết ở trên là châu Âu có hệ thống giao thông công cộng tốt. Nhưng điều đó chỉ đúng nếu chuyến đi chủ yếu tới các thành phố. Nếu bạn có xu hướng thích làng mạc, thích thiên nhiên tĩnh lặng bình yên thì thuê xe rồi tự lái là lựa chọn phù hợp hơn.
Tự lái xe giúp chủ động lịch trình, tiết kiệm được nhiều thời gian. Thực ra ở chỗ hẻo lánh vẫn có phương tiện công cộng, chỉ có điều không có xe chạy thường xuyên, đã thế còn hay hủy chuyến và đình công.
Tự lái xe giúp tiết kiệm chi phí. Nếu so sánh giá landtour và thuê xe: giá thuê xe cả bảo hiểm khoảng 30–80 €/1 ngày, tùy mẫu xe, tùy mùa. Và tất nhiên day tour cho 4 người sẽ không bao giờ có giá đó.
Khác với Việt Nam hay Mỹ, xe ở châu Âu chủ yếu là số sàn. Giá thuê xe tự động thường cao hơn xe số sàn, thậm chí gấp đôi trong mùa cao điểm. Vì thế nếu bạn tập lái được xe số sàn chắc chắn sẽ thuê được giá tốt hơn.
Mình hay tìm thuê xe trên trang rentalcars.
Chọn chỗ đổ xăng
Không như ở VN, giá xăng ở châu Âu không phải chỗ nào cũng như nhau. Giá xăng thay đổi theo từng nước. Ví dụ xăng ở Ý, Hi Lạp, Iceland đắt hơn ở Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Áo … Nhưng ngay trong cùng 1 nước, giá xăng cũng thay đổi nhiều. Nếu chỉ đi một đoạn ngắn thì chi phí chênh lệch ít. Nhưng nếu chuyến roadtrip dài cả tháng thì chú ý mua xăng đúng chỗ sẽ giúp tiết kiệm một khoản đáng kể.
Giá xăng ở các trạm nghỉ trên đường cao tốc cao hơn giá bình thường khoảng 15-20%. Một bình xăng 100 € đã chênh 15-20 € rồi đúng không? Vì thế mình hiếm khi mua xăng trên đường cao tốc mà hay dùng các app trên điện thoại để chọn chỗ có xăng rẻ. Nếu lười mở app, mình sẽ vào trạm xăng của các siêu thị to như Auchan/Alcampo, Carrefour, Intermarché, Leclerc … nằm ven đường để có giá hợp lí.
App xem giá xăng: Gasoilnow
Đặt phòng giờ chót
Nếu bạn áp dụng bí quyết số 1 – Không đi vào mùa cao điểm, số 5 – Không đi nhóm đông và số 7 – Tự lái xe, thì bí quyết số 9 này dành cho bạn.
Vào mùa vắng, các khách sạn trong khu vực, bán kính chục km kiểu gì cũng còn thừa phòng. Đến trưa ngày hôm đó, các khách sạn sẽ phá giá, cho thuê chỉ bằng 50-60% giá bình thường. Vì thế nếu chủ động được việc di chuyển và nhóm ít người, bạn chỉ cần đợi đến trưa mới đặt phòng cho buổi tối hôm đó. Đây cũng là cách mình thường xuyên áp dụng để có được phòng khách sạn xịn với giá nhà trọ bình dân.
Mình hay đặt phòng trên trang booking.com hoặc hotels.com. Lâu rồi mình không dùng Airbnb vì giá Airbnb ở châu Âu bây giờ không còn hấp dẫn nữa so với 2 trang kia.
Thử đi camping như người bản địa
Nếu có dịp nói chuyện về du lịch với người châu Âu, bạn sẽ thấy rất nhiều người có xu hướng tìm về thiên nhiên, như leo núi, cắm trại, roadtrip bằng xe van. Các hãng bán thiết bị camping chưa bao giờ phát triển như bây giờ. Vì thế khi đến châu Âu, thử đi như người châu Âu cũng thú vị đúng không?
Tất cả những gì bạn cần là một kì nghỉ tương đối dài (2, 3 tuần trở lên), thuê một chiếc xe, đầu tư một bộ lều, đệm, túi ngủ, nồi, bếp picnic đơn giản. Một bộ đồ như thế loại trung có giá khoảng 150-200 €/1 người.
Sau mỗi ngày tham quan, thay vì vào khách sạn hay resort đắt tiền, bạn có thể vào các khu campsite, trải nghiệm phong cách du lịch bình dân. Đây là cơ hội tốt để bạn tiếp xúc với người bản địa, xem họ chơi và sống như thế nào.
Hầu hết các nước châu Âu có hệ thống campsite rất tốt. Các campsite thường có các dịch vụ cơ bản như phòng tắm nóng lạnh, máy giặt, sấy, Nhiều nơi có cả bể bơi, khu chơi cho trẻ em và bếp. Một lô đất trong campsite có giá thuê rẻ vô địch, không khách sạn nào đọ được, chỉ 10 đến 40 €/1 đêm, tùy nơi, cho cả nhóm.
Ở một số nước phía Bắc như Scotland, Đan Mạch, Na Uy, thậm chí còn có thể dừng xe dựng lều miễn phí ở bất kì đâu, miễn là cách nhà dân trên 100 mét. Được ở “khách sạn ngàn sao” trước một hồ nước thơ mộng hay hẻm núi hùng vĩ, mang đến cảm giác tự do tự tại vô cùng.
Sau khi dùng xong bộ đồ camping, nếu đồ còn dùng tốt thì trước khi về, bạn chỉ cần chụp ảnh từng món, và rao bán trên các trang bán đồ cũ với giá 50% giá gốc, sẽ có người đến hốt ngay.
Ví dụ trang bán đồ cũ ở Pháp: leboncoin.fr
Cửa hàng bán đồ camping bình dân chất lượng ổn: Decathlon
Vậy đó, du lịch châu Âu không nhất thiết phải đắt. Nếu bạn có thêm bí quyết gì thì chia sẻ nhé.
Hi vọng bạn sẽ có nhiều chuyến đi thú vị.