Iceland là một quốc đảo neo ở người thuộc vùng biển xa xôi phía Bắc Đại Tây Dương. Núi lửa sục sôi trực tuôn trào, sông băng vĩnh cửu, mây vờn muôn hình vạn trạng và gió giật điên cuồng, không ngừng tôi luyện mảnh đất này thành những cảnh quan siêu thực. Iceland hẳn là nơi mà ta có thể tìm thấy thiên nhiên trong phiên bản nguyên thủy nhất: thuần khiết, đầy đe dọa nhưng cũng có lúc êm đềm và dịu lắng. Nước, lửa và gió. Sức mạnh của các yếu tố thiên nhiên làm nên sức mạnh Iceland, đẩy những xúc cảm con người đến đỉnh điểm. Những thái cực tưởng như không thể tồn tại song song nhưng lại cùng hiện hữu trên đất nước nhỏ bé này thực sự quyến rũ tôi.
Trước khi đến Iceland, tôi có những ý niệm rất mơ hồ về nước và lửa. Tôi cứ nghĩ, nước hiền hòa, làm cho lúa lên đòng, cho cây cối nở bông, cho lá hoa căng mọng. Và tôi cũng nghĩ, lửa hủy diệt, thiêu cháy đất đai, hun trụi núi đồi. Cho tới một ngày, tôi đặt chân đến Iceland.
Nước
Ở Iceland, nước không chỉ có một sắc thái.
Nước ở Iceland là băng. Phải rồi, cái tên Iceland có nghĩa là Băng Đảo. Ngay cả giữa mùa hè, một phần không nhỏ diện tích đất nước này vẫn được phủ một lớp băng dầy. Vatnajökull, vùng đất giá lạnh nhất Iceland, là một chỏm băng khổng lồ, lớn nhất châu Âu. Vatnajökull rộng hơn 8000 km vuông và độ dày trung bình 400 mét, có nơi lên tới 1000 mét. Đây là thế giới bất tận của băng vĩnh cửu và cũng là thiên đường của những người thích phiêu lưu, từ trekking trên sông cho đến thám hiểm các động băng.
So với đi bộ trên núi đá bình thường, trekking trên sông băng cần nhiều thiết bị an toàn hơn và cũng đòi hỏi sức khỏe tốt hơn một chút. Tuy vậy, mọi nỗ lực đều được đền đáp khi tôi bắt đầu lên cao dần, bốn bề không còn gì khác ngoài một bức tranh đơn sắc tuyệt mĩ của băng tuyết. Băng kêu răng rắc dưới chân khi tôi truyền từ mỏm băng này sang mỏm băng khác. Bên dưới là những vết nứt sâu hoắm, ánh lên màu xanh trong veo như ngọc quý, đầy mê hoặc.
Phần rìa chỏm băng Vatnajökull chia nhánh thành vô vàn sông băng lớn nhỏ. Hầu hết các sông băng này đều kết thúc ở một hồ sông băng. Trong số đó, Jökulsárlón có diện tích lớn nhất. Thảnh thơi tản bộ dọc theo bờ hồ, tôi ngắm nhìn không biết chán những tảng băng trôi được đẽo gọt bởi gió và ánh sáng. Những lúc may mắn, tôi bắt gặp những chú hải cẩu nằm phơi nắng, hưởng thụ cuộc sống bình yên và an nhàn. Thi thoảng, mặt nước đang không một gợn sóng bỗng vang lên tiếng gầm dữ dội khi những khối băng tách ra từ sông rồi trút mình xuống hồ. Âm thanh ấy rất trầm, rền lên như sấm, phá tan bầu không khí lặng thinh và lạnh ngắt.
Nước ở Iceland là mưa. Những ngày đầu tôi đến trời Reykjavik không có lấy một vạt nắng. Reykjavik là thủ đô Iceland, không lớn so với thủ đô các nước châu Âu khác. Tuy vậy, đây vẫn là thành phố lớn nhất Iceland với hơn 60% dân số cả nước – hơn 200 nghìn người. Gió biển đưa đẩy những đám mây màu ghi xám qua lại trên đầu, làm mưa bay bay, lúc như mưa phùn mùa xuân, lúc nặng hạt như giữa cơn giông mùa hạ.
Nghĩ đến Reykjavik dưới mưa, tôi thường mường tượng thấy khu bến cảng cũ vắng lặng, mặn nồng mùi cá biển. Từ đây, tôi thích nhìn những con thuyền nhỏ dập dìu, sóng gợn vỗ về hai ngọn hải đăng cũng màu vàng rực ở hai đầu bến cảng. Tôi nhớ buổi sáng tựa cằm ngắm mưa rơi bên bậu cửa sổ quán bar ở tầng 2 của Kex Hostel, ngày xưa từng là xưởng làm bánh quy, nay là nơi dân ba lô tụ tập. Và tôi chắc chắn không thể quên những cơn gió đại dương lạnh teo, ẩm ướt, cuốn hương thu khắc khoải vào một chiều hè mênh mang. Vì thế, Reykjavik trong mắt tôi êm đềm và nhẹ nhàng chứ không tấp nập, làm tôi liên tưởng đến một cô gái âu sầu, ngồi lặng lẽ nhìn ra biển.
Nước ở Iceland là thác. Ai đã đến Iceland cũng biết, thác là một trong những đặc sản của đất nước này. Mùa hè cũng là lúc băng tan. Những dòng sông ngầm dưới băng dồn nước xuống những vùng trũng hơn, hòa cùng dòng chảy của những cơn mưa xối xả, tạo thành những dòng thác muôn hình muôn vẻ. Gullfoss, nằm trên cung đường Golden Circle, hoành tráng và mãnh liệt. Háifoss tao nhã thả mình từ độ cao 122 mét. Bruarfoss bí ẩn với xoáy nước mở ra như một bông hồng bằng ngọc. Seljalandsfoss nơi người ta có thể ngắm hoàng hôn huyền diệu từ phía sau làn nước mỏng. Svartifoss nằm giữa vườn quốc gia Skaftafell với cấu trúc cột đá độc nhất vô nhị. Godafoss sang trọng và đằm thắm như một quý bà.
Nước ở Iceland là đại dương. Iceland là một hòn đảo. Vì thế hầu như đứng ở đâu ven đường quốc lộ 1, ta cũng có thể nhìn thấy biển. Tại đây, ta được ngắm thế giới của những loài chim biển vùng cực đương đầu với gió mạnh, làm tổ trên vách đá thẳng đứng, ngắm những ngọn sóng lớn đổ ập vào bức tường đá và bào mòn chúng thành những bờ cát đen dài.
Khác với những mảng màu quen thuộc trên những hòn đảo nghỉ mát vùng Địa Trung Hải, nước biển Iceland có một màu xanh sâu thẳm, vừa lạnh lẽo, và bí ẩn lạ kì. Tôi không thể quên khoảnh khắc đối mặt với khoảng xám xanh vô tận của Đại Tây Dương ở một nơi nào đó trên bán đảo Snæfellsnes. Gió vật mạnh đến mức tôi phải ngồi xuống để không bị rơi khỏi vách đá và bị cuốn trôi xuống biển. Gió dữ dội và sóng cũng dữ dội. Chim bay nháo nhác và ồn ào. Ngồi đó thật lâu, bằng tất cả sự bình yên trong tâm tưởng, tôi lặng lẽ ngắm nhìn sức mạnh của đại dương bao la và nhận ra mình nhỏ bé đến thế nào trên thước đo của vũ trụ.
Quả thật, nước ở Iceland chẳng thể hiền.
Lửa
Dù giá lạnh trên bề mặt, nhưng trong lòng Iceland lại rạn lửa. Tấm áo choàng băng giá của các sông băng ấp ủ những miệng núi lửa khổng lồ vẫn còn hoạt động. Chúng vẫn sôi sục dưới lớp băng dày, dần tích lũy nguồn năng lượng của lòng đất, chờ đến lúc được phun trào.
Trên những chặng đường trong vùng cao nguyên trung tâm, không ít lần xe tôi lăn bánh dưới bóng đỉnh núi Hekla sừng sững. Đây là ngọn núi lửa nổi tiếng và hoạt động mạnh nhất Iceland. Trong nhiều thế kỉ, Hekla đã nhiều lần nổi cơn thịnh nộ, đến mức trong thời Trung Cổ, người Iceland coi đây là cổng vào địa ngục. Những năm trở lại đây, cứ theo chu kì mười năm, Hekla lại thức dậy một lần. Lần gần đây nhất là vào năm 2000. Cho đến nay, người Iceland vẫn như « ngồi trên lửa » đợi Hekla tỉnh giấc. Thiên nhiên khắc nhiệt tạo ra những con người can đảm, bất chấp hiểm nguy cận kề và thường trực. Những cảm xúc mạnh tạo nên những tâm hồn nghệ sĩ. Nhờ đó những saga, những bản anh hùng ca Iceland hoành tráng cũng được ra đời.
Tiếp tục hành trình về phía Bắc, tôi đến Krafla và Hevrir, vùng địa nhiệt quanh hồ Mývatn. Phong cảnh trong vùng được tạo ra bởi núi lửa dưới mọi hình thức, màu sắc và mùi vị. Càng tiến gần đến Mývatn, mùi lưu huỳnh càng đánh thức mọi giác quan. Không khó để nhận ra những chảo bùn sôi sục, những cánh đồng mắc ma còn nóng hổi, những lỗ phun khí lưu huỳnh đóng cặn màu vàng chanh, và những miệng núi lửa chưa kịp nguội. Mỗi bước chân đi trên mảnh đất này, tôi đều được chiêm ngưỡng một vẻ đẹp không thể chối cãi, vừa huyền bí, vừa bi thương. Giữa không gian chết chóc, người Iceland đã xây dựng nên nhà máy điện nhiệt lớn nhất của họ. Họ đã biến điểm yếu thành lợi thế, biến cái không thể thành có thể. Và từ đó, sự sống được duy trì bằng chính sức mạnh của sự hủy diệt.
Cộng hưởng
Trong tiếng Iceland có từ jökulhlaup có nghĩa là « lũ băng », một thảm họa thiên tai kinh hoàng mà chắc hẳn nhiều người Iceland còn nhớ. Một jökulhlaup được tạo ra khi núi lửa bắt đầu phun trào dưới mặt băng vĩnh cửu, làm lớp băng tan từ dưới lên. Một lượng nước lớn được hình thành, nhấc bổng cả tầng băng dày, cuốn phăng mọi thứ trên đường tìm ra biển. Jökulhlaup gần đây nhất của Iceland năm 1996 bởi núi lửa Grímsvötn dưới chỏm băng Vatnajökull đã tạo nên một dòng sông rộng 9 km, quét theo một phần đường quốc lộ 1 và nhiều cây cầu lớn. Giao thông đứt đoạn, mùa màng bị tàn phá. Băng giá có thể lạnh lùng, núi lửa có thể bạo liệt, nhưng khi lửa và băng gặp nhau ở Iceland, nơi ấy có thể là địa ngục.
Tuy vậy, nếu có ở một nơi mà sự kết hợp của nước và lửa tạo thành thiên đường thì đó cũng là ở Iceland, trên cao nguyên Landmannalaugar. Đây là điểm đầu của đường trek nổi tiếng nhất Iceland, Laugarvegur, dài 55 km, nối Landmannalaugar với Þórsmörk (thung lũng của Thor). Phong cảnh của những bình nguyên và núi non quanh Landmannalaugar nhuốm đẫm những tông màu siêu thực. Xanh lá của lớp cỏ mềm, điểm những bông hoa mượt như coton. Đen óng, lấp lánh của những khối than đá khổng lồ nằm trên cánh đồng nham thạch. Nâu, xanh rêu, đỏ, cam, ghi, vàng, đan xen nhau của những mỏm núi loang đa sắc. Xanh dương thăm thẳm của bầu trời, gợn một vài dải mây mỏng nhẹ tênh. Trắng tinh của những mảng tuyết còn đọng trên những sườn núi phía Bắc. Vàng chanh của những miệng núi lửa còn hoạt động, nghi ngút hơi lưu huỳnh. Tất cả, bằng một phép nhiệm màu nào đó, được ghép lại trên cùng một bức tranh màu neon sống động, không thể tìm thấy ở bất kì nơi nào khác.
Dù là mùa hè, vùng cao nguyên Iceland vẫn rất lạnh. Ban ngày hiếm khi cán mốc 10°C và ban đêm nhiệt độ xuống tới gần 0. Ở đây, không có gì thú vị hơn được dốc hết sức lực trên những đoạn đường trek men theo các sườn núi chứa đựng đầy những bất ngờ. Và tối đến, được đắm mình trong hồ nước khoáng tự nhiên nóng rực dưới ráng hồng huyền ảo của một đêm trắng đầu hè. Mặt trời lúc nửa đêm sưởi ấm bề mặt những đỉnh núi lửa bao quanh khu trại, làm chúng ánh lên rực rỡ. Dưới nước, những sợi rong mềm mại ve vuốt bắp chân. Trên bề mặt, làn hơi nước bốc lên những ảo ảnh mơ màng. Tôi ngỡ mình đang lạc vào cõi thần tiên. Kì diệu biết bao !
Đến Iceland
- Iceland thuộc khối Schengen. Vì vậy bằng visa của một quốc gia châu Âu thuộc khối Schengen khác, bạn có thể dễ dàng đến Iceland.
- Từ Việt Nam đi Iceland chưa có chuyến bay thẳng, cần quá cảnh qua một nước thứ ba, ví dụ như Pháp, Đức, Ý, đến thủ đô Reykjavik
- Iceland có hệ thống bus nối giữa các điểm thăm quan nổi tiếng và nhiều dịch vụ tour cho khách du lịch. Tuy vậy, nếu có điều kiện, khám phá Iceland bằng xe riêng sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian và đến được nhiều nơi hơn.
- Vùng trung tâm Iceland không có đường nhựa nối với thế giới bên ngoài. Do điều kiện thời tiết, các đường dành cho xe 4×4 (đường F) đóng cửa từ tháng 9 hàng năm đến tháng 6 năm sau
Các bài viết có liên quan
Bài viết chi tiết về lịch trình và kinh nghiệm đi Iceland tại đây: Lịch trình và kinh nghiệm Iceland
Trekking vùng highland: Trekking Iceland – Kì diệu Landmannalaugar
Album ảnh Iceland của mình: Album ảnh Iceland
(Bài viết đã đăng trên tạp chí Elle Việt Nam số tháng 6/2018)