« Đối với các nhà sử học và nhà thơ, Alhambra của Granada đáng để để tôn thờ, giống như Kaaba của thánh địa Mecca trong mắt tất cả các tín đồ Hồi giáo.» – Dòng chữ trong những trang đầu cuốn « Truyền thuyết Alhambra » của Washington Irving nhảy múa trong đầu khi tôi lái xe trên cung đường uốn lượn giữa những sườn đồi Andalusia, từ Cordoba đi Granada.
Lúc ấy đã cuối ngày, hoàng hôn thả bóng chiều buồn trên dải đất nâu nhạt. Vùng thôn quê Andalusia trải dài các cánh đồng cải dầu đang vào vụ, vàng ươm, và những vườn ô liu bạc lá, trập trùng, chạm vào đường chân trời lượn sóng. Xen vào đó là những ngôi làng xinh đẹp, trang điểm bởi những pháo đài nâu đất, vượt hẳn lên trên những mái nhà sơn trắng. Tôi chẳng có gì vội, cứ thế lượn theo những khúc đường quanh co. Lúc lúc lại lững thững nối đuôi một chiếc máy cày đang trên đường trở về nhà.
Phòng trọ của tôi nằm ngay dưới chân lâu đài Alhambra của Granada, trong một ngôi biệt thự Tây Ban Nha kiểu cổ, kiến trúc thế kỉ 19. Căn phòng nhỏ nhìn sang khu vườn đúng kiểu Andalusia nhà hàng xóm, có cây chanh vàng trĩu quả. Đến giờ tôi cũng không nhớ đã ở Granada bao nhiêu ngày. Có lẽ là rất lâu. Tôi lưu luyến không nỡ rời xa nơi này. Sáng nào tôi cũng xuống gặp bác chủ nhà, hỏi thuê phòng thêm một đêm nữa. Thế là tôi ở lại Granada thêm hai, ba đêm, rồi hình như nhiều hơn.
Granada – theo dòng lịch sử
Granada mà tôi biết không hào nhoáng, không ồn ào mà lãng mạn như một bức thư tình. Bức thư của người Moors cách đây 7 thế kỉ. Cũng như Cordoba, từ đầu thế kỉ VIII, Granada thuộc về người Moors, gốc Ả Rập, theo đạo Hồi đến từ Bắc Phi. Khi phần lớn châu Âu vẫn ngủ yên trong đêm trường Trung Cổ tăm tối thì các thành phố của vùng Al-Andalus đã đạt đến đỉnh cao của sự xa hoa và nền văn minh vượt trội. Cuối thế kỉ XIII, Cordoba, Seville và cả vùng Al-Andalus đã trở về tay các vị vua Công Giáo, Granada trở thành thành trì cuối cùng của nhà Nasrid trên bán đảo Iberia.
Nếu đã đọc qua bài viết về Cordoba, chắc bạn đã nghe kể về lần Christopher Colombus diện kiến hai vị vua và nữ hoàng nổi tiếng trong lịch sử Tây Ban Nha là Isabella I vùng Castille và Ferdinand vùng Aragon ở Alcazar của Cordoba năm 1486. Colombus từ đó được sự ủng hộ của triều đình Tây Ban Nha, bắt đầu chuyến thám hiểm của mình. Đến 1492, cùng năm mà Colombus đặt chân đến châu Mỹ, các vị vua Công Giáo cũng chinh phục được thành phố Hồi Giáo cuối cùng, và đổi tên thành Granada. Granada, trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là « quả lựu », từ đó trở thành biểu tượng của thành phố.
Gần 800 năm nằm trong tay các vị vua Ả Rập giàu có, rồi tái nhập đúng lúc nghệ thuật Phục Hưng đang tỏa sáng ở châu Âu đã biến Granada thành mối giao thoa hoàn hảo của hai luồng văn hóa. Granada mang hơi thở nồng nàn của nghệ thuật Hồi, sau đó được thổi thêm sức sống mới của làn sóng Phục Hưng và trường phái Baroc. Vì thế, nếu dạo quanh Granada, bạn sẽ cảm thấy bầu không khí thâm trầm và bí ẩn, nhưng lại lãng mạn và khoáng đạt, đặc trưng rất riêng của Bắc Phi và Tây Âu.
Nếu so với thành phố láng giềng tươi tắn và tỏa sáng Seville, lịch sử không êm đềm khiến Granada có gì đó góc cạnh và cá tính hơn. Cũng vì thế mà người ta dễ bị hớp hồn. Tôi không lấy làm lạ khi biết Hemingway từng nói «Nếu bạn chỉ đến một thành phố ở Tây Ban Nha, hãy đến với Granada ». Không còn nghi ngờ gì nữa, chắc chắn bạn sẽ phải lòng thành phố này. Rồi có thể bạn sẽ mất nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng để tìm hiểu tại sao. Nhưng nếu đã tới đây một lần, tôi biết bạn sẽ muốn quay trở lại.
Alhambra – viên ngọc của Granada
Phần cổ kính nhất của Granada nằm trên hai ngọn đồi đối diện nhau qua dòng chảy sông Darro. Một bên là lâu đài Alhambra, bên kia là khu Hồi giáo cũ Albayzín và khu Sacromonte của người Gypsy.
Vừa là cung điện, vừa là pháo đài, Alhambra lấy tên từ tiếng Ả Rập « al-Qal’a Al-Hamrā » có nghĩa là Tòa Thành Đỏ. Trong vòng 250 năm trước khi các vị vua Công giáo tái chiếm Granada, thành Alhambra từng là cung điện hoàng gia của triều đại Nasrids. Các vị sultan và thân vương đã mang những gì lộng lẫy nhất của kiến trúc Ả Rập thế kỉ XIII – XV đến Alhambra, cho xứng với Granada khi đó là một trong những thành phố giàu có nhất châu Âu. Vì thế, Alhambra như tái hiện một thiên đường hạ giới, với những khu vườn xanh mướt mải, đường nét hài hòa, những vòi phun nước róc rách ngày đêm, những hồ gương soi bóng các hàng hiên duyên dáng.
Ngày nay, Alhambra là di sản UNESCO, mỗi ngày đón hàng ngàn du khách. Bốn quần thể : cung điện Generalife, vườn El Partal, các tòa tháp Alcazaba, cung điện Nazaries, mỗi nơi mỗi nét quyến rũ, tạo nên vẻ đẹp tuyệt mĩ của Alhambra.
Từ lối vào chính, phía bên tay phải là vườn Bajos và cung điện Generalife. Generalife nằm ngoài tường thành Alhambra, và là cung điện mùa hè của các hoàng thân Nasrids. Không hoành tráng bằng phần còn lại của lâu đài, nhưng Generalife tỏa ra một phong thái êm đềm và nhẹ nhàng. Cung điện nằm giữa những kênh nước đan nhau, những luống hoa diên vĩ tím, những bụi hồng đủ màu sắc và rừng cây xanh mát rượi.
Rời Generalife, ta tiến vào El Partal lúc nào không hay. Vườn El Partal được sắp xếp trên nhiều tầng, nối nhau bởi các bậc thang, tạo ra vô số các góc nhìn đẹp và độc đáo. El Partal là sự pha trộn yêu kiều của nghệ thuật Saracen và Gothic, giữa thời người Moors và các vị vua Tây Ban Nha sau này. Những lối đi phảng phất dáng vẻ những khu vườn Pháp thế kỉ XVI, XVII nhưng lại đong đầy âm hưởng cổ xưa trong truyện Ngàn lẻ một đêm. Bình minh hay hoàng hôn, tôi đều thích lạc bước nơi đây. Trong thời khắc tranh sáng tranh tối, đi dạo trong vườn El Partal giống như sống trong một giấc mơ. Một giấc mơ hoàn hảo.
Các tòa tháp Alcazaba đánh dấu điểm cao nhất của Alhambra và cũng là nơi ngọn cờ của các vị vua Công giáo được phất lên năm 1492. Ngày nay, trên Torre de la Vella vẫn được treo bốn lá cờ : châu Âu, Tây Ban Nha, Andalusia và Granada. Leo lên Alcazaba vào một buổi chiều lộng gió, bạn sẽ được thỏa thích ngắm nhìn bờ còn lại của Granada. Phía trước mặt, Albayzín như một ngôi làng trắng trên sườn đồi, điểm những khoảng xanh lãng mạn của cây hoàng đàn. Bóng dáng khu Sacromonte thấp thoáng phía phải. Và phía trái, mái vòm của nhà thờ lớn Granada vượt hẳn lên trên những mái nhà cổ kính.
Điểm nhấn ấn tượng nhất của Alhambra có lẽ là cung điện Nazaries. Vẻ lộng lẫy của cung điện không chỉ nằm ở bản thân nó mà ở không gian vô cùng hoàn hảo bao quanh. Lâu đài trắng nằm giữa những khu vườn thơ mộng và rừng cây xanh mát, thật đúng với lời truyền tụng, ví như « viên ngọc trai khảm trong ngọc lục bảo » của các nhà thơ Ả Rập thời xưa. Nazaries thực ra là quần thể nhiều dãy phòng, hành lang và khoảng sân nối tiếp nhau. Mỗi mảng tường, cây cột, viền mái che đều được ghép mosaic và trạm trổ các họa tiết thư pháp Ả Rập tuyệt đẹp. Nếu bạn đã trót một lần mê mẩn khi thăm quan các cung điện và trường học cổ ở Maroc thì khi đến Nazaries, bạn sẽ lại thêm một lần ngẩn ngơ.
Albayzín – nhớ một chén trà Ả Rập
Trên sườn đồi trước mặt Alhambra, phía bên kia thung lũng Darro là khu phố Hồi Giáo Albayzín. Alhambra và Albayzín hoàn toàn đối lập nhưng lại cực kì hòa hợp. Tòa thành đỏ và ngôi làng trắng. Xa hoa và giản dị. Chăm chút và hỗn độn. Mỗi bên khơi gợi một cảm xúc khác nhau nhưng đều hoài cổ, sâu sắc và đẹp nao lòng.
Nếu có một con phố mà bạn không thể bỏ qua ở Albayzín thì đó là Caldereria Nueva, mà mọi người hay gọi là phố trà. Bước lên những bậc thang thoai thoải, ta như đang đi trong một khu chợ ở cố đo Fez của Maroc. Một chút âm u, một mùi da thuộc, một thoáng hăng hắc của các loại hương liệu, một góc bí ẩn của quán trà Ả Rập. Quán trà, « teterías » trong tiếng Tây Ban Nha, là một điểm đến nhất định phải thử ở Granada.
Tiến sâu vào, nếu không muốn gọi là leo lên cao, hay nói trắng ra là bị lạc trong khu Albayzín, thỉnh thoảng ta sẽ tìm thấy một « cármenes » – biệt thự theo phong cách của riêng Granada, có vườn và tường cao bao quanh. May mắn hơn nữa, bạn sẽ bắt gặp một anh chàng Tây Ban Nha đẹp trai quên sầu, ngồi dựa cổng, gẩy một khúc nhạc Di-gan rộn ràng cho hợp với khung cảnh. Nếu bằng một phép nhiệm màu nào đó, bạn tìm được đường đi lối về ở Albayzín, đừng quên ghé qua Casa del Chapiz, một cármenes điển hình của Granada, đặc biệt nhớ đi ra khu vườn bên ngoài, ngắm lại toàn cảnh Alhambra phía bên kia sông từ dưới bóng một cây cam nào đó nhé.
Sẽ thật thiếu sót nếu nhắc đến Andalusia và Granada mà không nói đến những cây cam trĩu quả, vàng ươm, trông thật ngon, nhưng không ăn được. Mùa hoa cam rơi vào tháng 4, đầu tháng 5. Đối với tôi, không nơi nào khác có thể hợp với hương cam hơn Granada. Mùi hương không quá ngọt, không quá trầm, mà thanh nhã, dịu dàng nhưng vẫn quyến rũ, hệt như những gì ta cảm nhận được ở thành phố này.
Trời đã về chiều khi tôi tiếp tục leo lên Ermita de San Miguel Alto nằm cheo leo phía trên Albayzín. Từ đây ta có thể ngắm toàn cảnh thành phố. Một bên là Alhambra, hoàn toàn xứng tên « Tòa Thành Đỏ », một bên là Albayzín và những con hẻm lắt léo trông như mê hồn trận. Và xa xa hơn kia là dải Sierra Nevada – trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là « dải núi phủ tuyết », dãy núi cao nhất Tây Ban Nha lục địa.
Granada là nàng thơ của biết bao nghệ sĩ. « Bao nhiêu truyền thuyết và truyền thống, chân thực và huyễn hoặc; bao nhiêu bài thơ và tình ca, của người Tây Ban Nha và người Ả Rập, về tình yêu và chiến tranh …» – Washington Irving đã viết như thế về Granada. Nhưng quả thật, ngồi trên bậc thang trước cửa Ermita de San Miguel Alto, ngắm hoàng hôn đổ xuống lâu đài Alhambra, những bức tường trắng Albayzín bỗng nhuộm ánh hồng, dải núi tuyết Sierra Nevada thẫm dần, hẳn người bình thường cũng biết làm thơ.
Sacromonte – trong vũ điệu Flamenco
Tất nhiên Granada có một khu phố có thể tạm gọi là mới, được xây dựng chủ yếu dưới thời các vị vua Cơ Đốc. Sau khi chiếm lại Granada, tất cả các công trình tôn giáo của thời kì trước đều được chỉnh sửa lại theo đạo Thiên chúa. Để thể hiện uy quyền của triều đình Tây Ban Nha, họ cho xây các nhà thờ đồ sộ, bên trong trang trí cầu kì theo kiến trúc Gothic và Baroc. Những khu phố như thế tuy rất đẹp, rất hoành tráng, nhưng có nhiều ở châu Âu, nhất là ở Pháp và Ý, nên tôi sẽ không kể kĩ về nó nữa mà sẽ đi tiếp lên đỉnh ngọn đồi đối diện Alhambra, xa hơn về phía Đông – khu Sacromonte.
Sacromonte là khu phố của dân Gypsy, nổi tiếng với những ngôi nhà khoét trong hang và những màn trình diễn Flamenco nồng nhiệt. Vào buổi tối, nếu muốn thưởng thức cuộc sống về đêm sôi động và đầy đam mê, đúng chất Tây Ban Nha, bạn hãy thử đặt bàn ở một quán ăn hay quán bar ở Sacromonte nhé.
Màn đêm dần phủ xuống Granada. Thoải bên sườn đồi trên đường trở về trung tâm thành phố, trong một hẻm nhỏ, sau cánh cổng khép hờ, tôi thoáng nghe tiếng ai: “Cất đồ chơi ngay đi con ! Đến giờ ăn tối rồi”. Tôi mỉm cười, mường tượng cảnh một gia đình sắp quây quần quanh ngọn đèn ấm. Granada quá đẹp, quá sống động mà cũng quá đời thường.
Bỗng, một cánh hoa cam từ đâu rớt xuống vai …
Các bài viết khác
Granada có quá nhiều thứ để kể nên hơi dài, mình tách bài làm đôi. Bạn có thể tìm thấy mọi kinh nghiệm và album ảnh về Granada của Cherry Tree on the Moon ở đây nhé:
Album ảnh : Album ảnh Granada trên FB
(Một phần bài viết đã đăng trên tạp chí Heritage số tháng 5/2019)