Một buổi sáng cuối năm, đang cầm trên tay cốc trà nóng thơm mùi quế, ngó ra sân, tôi nhủ thầm « Ước gì tuyết rơi ». Bỗng một bông tuyết tròn tròn, bông bông, lửng lơ trước mặt rồi nhẹ nhàng đậu xuống bên thềm cửa.
Kể từ lần đầu tạm biệt gia đình ở sân bay Nội Bài, đã tôi đi qua bao mùa tuyết. Nhớ có lần tôi ôm hôn những người không quen trong thời khắc giao thừa dưới màn tuyết trước cổng Brandenburg, lúc lại bất ngờ gặp tuyết rơi giữa tháng Năm ở Grand Canyon, hay lạc trong tuyết trên một đỉnh núi ất ơ nào đó ở Bắc Phi. Một bông tuyết bay đã đem những kí ức kiểu ấy vụt qua trong tích tắc, trước khi nó kịp đáp xuống bậu cửa và tan biến. Nhưng quả thực, mỗi lần ngắm tuyết rơi ở bất cứ đâu, tôi đều nhớ đến những cơn mưa tuyết ở Strasbourg thủa xa xôi, khi tôi mới mười tám, đôi mươi.
Strasbourg là một thành phố thanh bình miền Đông Bắc nước Pháp, trước đây là thủ phủ vùng Alsace; nay, sau cuộc cải cách hành chính cách đây vài năm, thuộc vùng Grand Est. Alsace xưa gồm hai tỉnh Bas-Rhin, trung tâm là Strasbourg và Haut-Rhin, đóng đô ở Colmar. Alsace duyên dáng bên bờ sông Rhin, được bao bọc bởi hai rặng núi Schwarzwald (Rừng Đen) thuộc Đức và Vosges thuộc Pháp. Ở đây, những cánh đồng nho xanh mươn mải trải dọc triền đồi, ôm ấp những ngôi làng nhỏ đáng yêu dưới thung lũng, và làm nền cho những lâu đài, tu viện cheo leo phía trên cao.
Strasbourg không chỉ có Petite France
Những người hay nghe tin chính trị hẳn biết tới Strasbourg như điểm đặt Nghị Viện châu Âu, lâu lâu lại họp một lần. Còn khách du lịch biết đến Strasbourg như một thành phố đẹp với nhà thờ lớn được thăm quan nhiều thứ hai ở Pháp, chỉ sau nhà thờ Đức Bà Paris, như điểm đầu Con đường Rượu Vang (Route des Vins) Alsace, hay nổi tiếng hơn nữa là « Thủ đô của Noël » nơi hằng năm họp một trong những khu chợ Giáng sinh đẹp nhất châu Âu.
Khi không có chợ Giáng sinh, Strasbourg là một thành phố bình lặng, người dân sống theo nhịp leng keng chậm rãi của những tuyến tàu điện giao nhau ở bến Homme de Fer. Và kí ức của tôi về Strasbourg cũng êm đềm như dòng chảy của hai nhánh sông Ill ấp ủ trung tâm thành phố.
Tuy vậy, nếu được dẫn một người bạn đi thăm Strasbourg, thay vì đi thẳng vào trung tâm, tôi sẽ bắt đầu chuyến ngao du ở ga tàu chính. Ga tàu Strasbourg (A) là sự kết hợp tuyệt vời giữa phong cách kiến trúc cổ điển và hiện đại. Được xây khá muộn, vào năm 1870, dưới thời Wilhem I, khi thành phố còn nằm dưới quyền cai quản của nước Phổ (một phần nước Đức, Đan Mạch và Phần Lan ngày nay), đây là ga tàu thứ hai của thành phố, thay thế cho ga đầu tiên bị phá hủy trong chiến tranh Pháp-Phổ. Từ chục năm trở lại đây, được mở rộng để phục vụ đường tàu nhanh Paris-Strasbourg (TGV Est), ga Strasbourg mang diện mạo mới với mái vòm kính phủ ra ngoài tòa nhà cũ. Những bức tường vững chãi nhưng nặng nề, đặc trưng của kiến trúc Đức thế kỉ XIX trở nên thanh thoát hơn nhờ những đường vòm cong mềm mại. Nhìn từ bên ngoài, mái vòm vừa phản chiếu màu trời, trông như một giọt nước khổng lồ, vừa đủ trong suốt để ta có thể chiêm ngưỡng nhà ga cổ bên trong. Hiếm có một nơi nào khác, việc « cơi nới » lại được thực hiện một cách hài hòa và nghệ thuật đến vậy.
Cách ga chính khoảng năm phút đi bộ là đập (barrage) Vauban (B), được thiết kế bởi kiến trúc sư quân sự nổi tiếng nhất của Pháp thế kỉ XVII – Sébastien Le Prestre de Vauban. Từ sân thượng đập Vauban, ta có thể ngắm toàn bộ khu phố cổ Petite France (Nước Pháp Nhỏ), với tiền cảnh Ponts Couverts và bốn tháp canh nằm trong hệ thống phòng thủ của thành phố thời trung cổ. Xa hơn một chút, nhà thờ Đức Bà nổi bật trên nền trời.
Ponts Couverts (C) là một trong hàng chục cây cầu dẫn vào Grande Île – Đảo Lớn. Grande Île ôm trọn trung tâm lịch sử của Strasbourg và đã được xếp hạng di sản UNESCO từ năm 1988. Từ đập Vauban, bước qua Ponts Couverts là đã đến Petite France (D), nơi ta có thể ngắm nhìn những ngôi nhà khung gỗ phong cách Đức xinh xắn soi bóng xuống bờ kênh, xếp dọc theo những con phố nhỏ đáng yêu. Mùa ấm, cư dân khu Petite France chăm chút những chậu hoa geranium đỏ rực rỡ, trang điểm cho cửa sổ nhà mình, khiến mỗi ngôi nhà đã đẹp lại càng duyên dáng. Mùa đông, những chùm đèn trang trí Giáng Sinh lộng lẫy, thế chỗ cho hoa, được treo lên mọi nẻo đường, hòa cùng những bản nhạc vui tươi, sưởi ấm cả không gian và lòng người.
Khác với người ta lầm tưởng, phố cổ xinh đẹp nhất Strasbourg không được trìu mến đặt tên, càng không thể hiện lòng yêu nước. Tên Petite France có từ thế kỉ XV. Thời ấy, Strasbourg và cả Alsace vẫn chưa thuộc về Pháp. Và khu phố này khi đó là bệnh viện cách li các bệnh nhân bị dịch hạch, chủ yếu là lính đánh thuê cho quân đội Pháp trong chiến tranh Ý. Người Strasbourg gọi bệnh dịch hạch là « bệnh của người Pháp », kéo theo cái tên châm biếm – Nước Pháp Nhỏ.
Từ Petite France, qua nhà thờ Saint Thomas (E), đi tiếp về hướng Đông là đến quảng trường Chợ Lợn Sữa (F) (Place du Marché aux Cochons de Lait) rất đặc trưng Alsace. Quảng trường Chợ Lợn Sữa nhỏ xíu và yên tĩnh, nằm ở một góc ít ai chú ý, khuất giữa những ngôi nhà khung gỗ, ẩn dưới bóng nhà thờ Đức Bà và cung điện Rohan (G) gần đó. Mỗi buổi chiều đi ngang qua đây, tôi đều ngỡ mình đã bước vào một trong những bức tranh minh họa cảnh Alsace thủa xưa của Hansi.
Đi thêm vài bước chân nữa, tôi sẽ được đứng trước sân nhà thờ Đức Bà Strasbourg (H) lộng gió. Đây là nhà thờ gothic cổ nhất, được khởi công từ năm 1015 và mất hơn ba trăm năm mới xây xong. Trong mấy trăm năm sau đó, đến tận gần cuối thế kỉ XIX, đây vẫn là công trình cao nhất thế giới. Đứng trên nóc nhà thờ, ta có thể ngắm toàn cảnh thành phố, đến tận đồng bằng Alsace và dải Rừng Đen.
Người già Alsace hay kể cho trẻ con nghe truyền thuyết về những cơn gió cuộn trên sân nhà thờ Đức Bà. Truyện kể rằng, cách đây hơn sáu trăm năm, vào một đêm tối trời, Quỷ Satan, sống trong rừng Harz bên kia bờ sông Rhin, cưỡi ngựa gió đến xem nhà thờ Đức Bà mới xây xong. Quá say sưa ngắm nghía, Quỷ không để ý thấy mặt trời đã mọc, đành trốn tạm vào bên trong cây cột Les Angles (Những Thiên Thần) bên trong nhà thờ. Các Thiên Thần liền giam Quỷ lại trong cây cột. Ngựa gió từ đó vẫn vần vũ quanh nhà thờ đến tận bây giờ.
Từ nhà thờ Đức Bà, tôi sẽ không đi đường lớn Rue des Grandes Arcades để sang quảng trường Kléber mà chọn một con phố song song – Rue des Orfèvres (I). Vào dịp cuối năm, rue des Orfèvres sáng lấp lánh, huyền ảo như một câu truyện cổ tích. Không khí Giáng Sinh ấm cúng ngập tràn và lan tỏa dọc con đường nhỏ.
Quảng trường Kléber (J) là quảng trường chính, được đặt tên theo Jean-Baptiste Kléber – một vị danh tướng người Strasbourg, nổi tiếng dưới thời cách mạng Pháp thế kỉ XVIII. Ông bị ám sát ở Ai Cập và tro cốt ông được đặt dưới bức tượng ngay giữa quảng trường. Khoảng từ cuối tháng 11 hằng năm, một cây thông trăm tuổi từ vùng núi Vosges được dựng ở góc quảng trường phía Đông và trở thành biểu tượng Giáng Sinh của thành phố.
Đi thêm hai con phố nữa, tôi sẽ đến quảng trường Broglie (K) và đứng trước tòa thị chính Strasbourg. Quảng trường Broglie đặc biệt có ý nghĩa với người Pháp vì là nơi Rouget de Lisle sáng tác bài « La Marseillaise », sau này trở thành quốc ca Pháp. Cả bốn mùa, tôi đều thích đi dạo ở đây, mua đồ nông sản địa phương thứ Tư và thứ Sáu hằng tuần, thỉnh thoảng đi chợ đồ cũ vào mùa hè, hòa vào dòng người nô nức thăm chợ Giáng Sinh vào mùa đông, hay đơn giản chỉ tha thẩn dưới hai hàng cây rợp bóng.
Đến cuối quảng trường Broglie, qua nhà hát Opera, qua cầu bắc qua sông Ill, tôi đã ra khỏi Grande Île, sang đến Neustadt (khu phố mới). Neustadt của Strasbourg mới được xếp hạng di sản UNESCO từ giữa năm 2017, được xây dựng chủ yếu trong thế kỉ XIX theo phong cách Phục hưng mới, giao thoa giữa kiến trúc Pháp tinh tế và âm hưởng Đức hoành tráng. Quảng trường Republique (L) là điểm nổi bật nhất khu phố mới với những đường nét phóng khoáng như Palais du Rhin, nhà hát Quốc gia, thư viện Đại và các trục đường lớn thẳng tắp.
Đi dọc theo đường tầu điện, ngang qua bưu điện thành phố, tôi đến bến Galia nằm trên cầu Royal (M). Thời sinh viên, tôi thích đi bộ từ tổ hợp trường Đại học đến đây ngắm nhà thờ Saint Paul và đường bờ sông Quai des Pêcheurs. Vào lúc chiều tà, thật thư thái khi bước xuống những bậc thang hai bên đầu cầu, xuống sát mép nước, chơi cùng hải âu và thiên nga, ngắm nắng nhạt tô hồng hai tháp chuông của nhà thờ Saint Paul trước khi tối hẳn.
Đã lâu rồi tôi mới trở lại Strasbourg đúng mùa Giáng Sinh, trong lòng sao thấy hồi hộp quá. Thành phố vừa lên đèn và tuyết bắt đầu rải trắng những mái nhà trong khu phố cổ. Tôi chọn một chỗ ngồi ấm cúng cạnh cửa sổ trong một quán bar trên Rue des Frères, vừa ngắm tuyết, vừa ngắm dòng người tay trong tay qua lại. Giáng Sinh thật kì diệu, vừa lạnh, vừa ấm, vừa tràn ngập yêu thương. Mùa yêu thương đã đến rồi !
Colmar và Petite Venise
Bài viết về Colmar đã được mình tách riêng để tiện theo dõi. Bạn có thể đến thăm Colmar qua bài viết này nhé : Colmar – Trên con đường rượu vang Alsace
Đến Strasbourg vào lúc nào ?
Nếu thật sự muốn thăm quan và ngắm cảnh thành phố, thời điểm thích hợp nhất từ cuối tháng 3 đến tháng 10. Khách du lịch không quá đông nên dễ đi lại, đường vắng chụp ảnh đẹp hơn và ăn chơi cũng dễ chịu hơn nhiều. Đặc biệt, cuối tuần đầu tiên của tháng 9 là Ngày Di Sản (Journée des patrimoines) ở Pháp, rất nhiều điểm đến cực kì thú vị, kể cả những nơi bình thường không đón khách, sẽ mở cửa miễn phí. Ví dụ như : Tòa nghị viện châu Âu, trường cấp ba Pontonniers …
Đợt Giáng Sinh là thời điểm đẹp để đến Alsace ngắm chợ Noël và tận hưởng bầu không khí nô nức của lễ hội. Chợ Giáng Sinh Strasbourg đón khoảng hai triệu khách mỗi năm. Vì thế vào thời gian này, thành phố nườm nượp khách, giá khách sạn cũng vì thế mà tăng vọt. Nếu có thể, bạn nên tránh đi chơi chợ Giáng Sinh ngày cuối tuần, đặc biệt là thứ Bảy, để không bị đông quá nhé.
Giáng sinh ở Strasbourg
Chợ Giáng Sinh Strasbourg thật ra là một quần thể nhiều khu chợ khác nhau, rải rác trên nhiều quảng trường trong thành phố. Trong đó có ba chợ chính ở Place des Meuniers và Place Benjamin Zix (trong khu Petite France), quảng trường nhà thờ Đức Bà, và quảng trường Broglie. Chợ Petite France và nhà thờ Đức Bà là hai chợ Noël tấp nập nhất, nhưng chợ Broglie mới là nơi được người địa phương yêu thích.
Chợ truyền thống trên quảng trường Broglie được người Strasbourg gọi tên Christkindelsmärik – « Chợ của cậu bé Jesus » tiếng Alsace – là chợ Giáng Sinh lâu đời nhất nước Pháp, có từ năm 1570. Trước đây, chợ được họp trên quảng trường nhà thờ Đức Bà, sau đó chuyển sang quảng trường Kléber trước khi được chuyển đến Broglie. Đừng quên mua một cốc rượu vang nóng và một cái bánh tarte flambée ở đây nhé.
Ngoài ra còn có một vài chợ nhỏ khác (xem bản đồ tại đây) và nhiều hoạt động thú vị và có ý nghĩa. Ví dụ như ở giữa Place du Marché Gayot có một cây thông chung cho tất cả mọi người. Ai cũng có thể tự tay trang trí một miếng gỗ nhỏ và treo lên đây. Giáng Sinh cũng nhờ thế mà thêm ấm áp. Chợ quảng trường Gutenberg được dành cho các nước khách mời, năm nay (2017) là Iceland.
Tips chụp ảnh đường phố Noël
Khu phố giữa ba quảng trường Kléber, nhà thờ Đức Bà và Broglie được trang trí đèn đẹp nhất, đặc biệt quanh Rue des Orfèvres.
Thời điểm đẹp nhất trong ngày để chụp đường phố lên đèn lung linh là vào giờ xanh (blue hour), 1 giờ trước khi mặt trời mọc buổi sáng và 1 giờ sau khi mặt trời lặn buổi tối. Ở Strasbourg tháng 12, giờ xanh rơi vào tầm từ 6h30 đến 7h30 sáng và từ 17h30 đến 18h30 tối. Tuy vậy, trong dịp trước Giáng Sinh, khách du lịch đổ đến Strasbourg như trẩy hội nên khó có thể chụp được cảnh rộng đường phố đẹp vắng người vào lúc chập tối. Thay vì chụp buổi tối, mình thường ra đường vào giờ xanh buổi sáng. Đèn trang trí vẫn bật và đảm bảo bạn sẽ có những bức ảnh vừa lãng mạn vừa ảo diệu và chất như của các idol trên Instagram ;).
Chợ Giáng Sinh Strasbourg mở cửa từ cuối tháng 11 đến 30/12 trừ ngày 25. Từ 11 giờ đến 20 giờ từ thứ Chủ Nhật đến thứ Năm, đến 21 giờ ngày thứ Sáu và đến 22 giờ ngày thứ Bảy.
Theo lí thuyết, chợ có mở cửa sáng 24/12 và từ 26 đến 30/12 nhưng theo mình thấy ngày 24 hầu như không có ai mở hàng. Sau Noël chỉ còn chợ ở quảng trường Nhà thờ Đức Bà, Place du Marchés aux Poissons và Palais Rohan.
Đi lại ở Strasbourg và vùng Alsace
Từ sân bay vào thành phố Strasbourg
Sân bay Entzheim-Strasbourg cách ga tàu chính Strasbourg 8 phút đi tàu hoặc 20 phút đi bus.
Giá vé 2.6 € nếu mua trước trên trang web của SNCF – TER Grand Est
Ở sân bay có may bán tự động loại vé tàu/bus về ga chính kèm một lượt đi tàu điện trong thành phố, giá 4.3 €.
Trong thành phố Strasbourg
Strasbourg là một thành phố nhỏ, bạn có thể đi bộ đến hầu hết các điểm thăm quan chính.
Tàu điện
Ngoài ra, thành phố có hệ thông tàu điện rất tốt. Vé đi được cả tàu điện hoặc xe bus. Giá vé một lượt 1.7 €, vé 24 giờ 3.4 €, vé 24 giờ cho nhóm 2 hoặc 3 người 6.8 €. Mua vé tại máy bán tự động ở bến tàu điện. Vé lẻ một lượt có thể mua trên xe bus.
Vào dịp chợ Giáng Sinh, các bến tàu điện trên Grande Île đều đóng cửa hoàn toàn, hoặc đóng trong giờ chợ họp. Thông tin chi tiết tại đây.
Thuyền
Đi thuyền trên sông Ill cũng là một cách rất hay để ngắm cảnh thành phố và khu Petite France từ phía bờ sông. Thuyền du lịch ở Strasbourg được gọi là Batorama. Khoảng tiếng có một chuyến, giá vé từ 9€30 đến 12€30 tùy tuyến. Thông tin chi tiết tại đây.
Từ Strasbourg đi Colmar
Colmar chỉ cách Strasbourg 64 km. Mỗi ngày có rất nhiều chuyến tàu nối giữa hai thành phố, trung bình mỗi giờ có một chuyến. Thời gian di chuyển khoảng 30 đến 40 phút. Giá vé tàu khoảng 9 € đến 13 € (5-7 € cho các bạn trẻ có Carte Jeune).
Có thể mua vé trên trang web của SNCF hoặc mua tại máy bán tự động ở ga. Không cần mua vé trước vì giá vé không thay đổi nhiều.
Vé theo ngày trong vùng Alsace
Ngoài ra, ở Alsace còn có bán loại vé ngày Alsa+ bao gồm tất cả các loại phương tiện công cộng từ tàu hoả, xe bus, tàu điện … cho cá nhân hoặc nhóm từ hai đến năm người. Có rất nhiều loại vé cho toàn vùng Alsace hoặc các vùng nhỏ khác nhau. Giá vé do đó cũng xê xích từ 3.5 € đến 37.6 €. Vé này rất có lợi nếu bạn đi nhiều người hoặc đi những chuyến tàu dài, ví dụ từ Strasbourg đến Colmar và ngược lại. Xem thêm thông tin tại đây.
Điểm chụp ảnh và ngắm cảnh đẹp ở Strasbourg
- Sân trên tầng thượng đập Vauban, đường vào ở đầu cầu phía Tây Ponts Couverts.
- Góc phía Tây quảng trường Benjamin Zix trong khu Petite France
- Trên tháp chuông thờ Đức Bà (tháp chuông đóng cửa tháng 12)
- Rue (phố) Mercière trước mặt nhà thờ Đức Bà
- Bến tàu điện Galia, cầu Royal
- Quảng trường Kléber (dịp Giáng Sinh)
- Rue des Orfèvres (dịp Giáng Sinh)
Ăn gì ở Alsace ?
- Đến Alsace, ta sẽ nhắc đến choucroute, giống như người ta nhắc đến cassoulet ở Midi Pyrrénée hay bánh crêpe ở Bretagne vậy. Vào tháng 10, rau bắp cải được thu hoạch và đem muối chua, ăn với khoai tây hấp, kèm với thịt lơn hun khói, xúc xích Strasbourg cho thêm béo ngậy.
- Tarte flambée nhìn hơi giống bánh pizza nhưng mỏng hơn. Một chiếc tarte flambée truyền thống được trải kem tươi, hành tây và thịt ba chỉ hun khói cắt nhỏ. Ở chợ Giáng Sinh còn có bán tarte flambée baguette, thay vì bánh đế tròn, các nguyên liệu được rải lên trên một chiếc bánh mì baguette kiểu Pháp cắt đôi theo chiều dọc. Tất cả được làm nóng, vừa thổi vừa ăn.
- Bánh Kugelhoff là một loại bánh to, trộn nho khô có hình cái mũ, thủng ở giữa, chuyên nướng bằng loại khuôn men trang trí hoa văn sặc sỡ của Alsace.
- Pain d’épice là loại bánh nhìn hơi giống bánh mì gối nhưng chắc nịch, ít xốp. Bánh được trộn với gia vị hồi, quế, và thường được dùng dịp Noel, năm mới.
- Alsace là vùng đất nổi tiếng với các loại rượu vang trắng hảo hạng, trong đó nổi tiếng nhất là Muscat, Riesling, Pinot Gris và Gewurztraminer. Rươụ Alsace đều có hương hoa quả rất thanh nhã. Nếu như Muscat hợp với đồ ăn nhiều gia vị như đồ Á thì Riesling và Pinot Gris lại hợp với các loại cá, hải sản và các loại thịt trắng. Gewurztraminer ngọt và nữ tính hơn, hợp với các món khai vị và tráng miệng.
Nếu thích các loại rượu ngọt ngào hơn nữa, bạn có thể tìm một trong bốn loại rượu trên, dòng vendange tardive (thu hoạch muộn) cất từ loại nho chín cuối mùa, hấp thu đầy nắng ấm và gió tràn, có vị ngọt hơn và hương cá tính hơn. Cá nhân mình là tín đồ trung thành của Pinot Gris vendange tardive, ngọt vừa phải, hương hoa quả thơm và thanh mát. - Alsace nổi tiếng nhất với rượu vang trắng. Vì thế ngoài rượu vang đỏ nóng thường gặp ở các chợ Giáng Sinh, ở Alsace còn có rượu vang trắng nóng. Nguyên liệu cũng giống như rượu vang nóng thông thường, gồm rượu, đường nâu, cam thái lát, hồi và quế.
Các quán ngon ở Strasbourg ?
Nếu chưa biết chọn ăn gì, hãy đi dạo dọc Rue des Frères, một con phố nhỏ phía sau nhà thờ Đức Bà. Bạn sẽ tìm thấy đủ thể loại hàng quán ở đây, từ đồ truyền thống đến quán Ý, quán bánh crêpe đến cả quán Á. Nếu không, dưới đây là những địa chỉ mà mình hay tới. Nếu đến vào dịp Giáng Sinh, nên gọi điện đặt bàn trước khi đến để chắc chắn có chỗ.
- Quán truyền thống Alsace
- Gurtlerhoft, ngay trước cửa nhà thờ Đức Bà. Đặc biệt quán này có phòng dưới tầng hầm mái vòm
- Winstub S’kaechele, 8 rue de l’Argile
- Truyền thống nhưng không phải choucroute : Le Banquet des Sophistes, 5 Rue D’Austerlitz
- Đồ ăn Nhật nhưng không phải sushi : Matsumotoya, 13 Rue des Veaux
- Bánh crêpe : La Plouzinette, 5-6 Place St Étienne
- Quán trà : Au fond du jardin, 6 rue de la Râpe
Tất nhiên, ngoài Strasbourg và Colmar, Alsace còn rất nhiều làng cổ xinh đẹp. Mình sẽ viết tiếp ở một lần khác nhé ;).
Các bài viết cùng chủ đề
Nước Pháp và chợ Giáng Sinh cổ tích vùng Alsace
Colmar – trên con đường rượu vang Alsace
(Một phần bài viết đã đăng trên tạp chí Travellive số 12/2018)