Padum
– “Về đến nhà, mình sẽ có nước nóng bác nhỉ ?” – Tôi dừng lại giữa một con dốc cao trên đường trở về từ Phuktal, mơ màng nghĩ tới chút tiện nghi nhỏ nhoi sắp tới.
– “Yes, please !” – Bác Galchan, đi phía sau tôi, gật gù.
Bác Galchan luôn làm tôi bật cười khi dùng câu “Yes, please” quen thuộc để trả lời tất cả các câu hỏi. Bác là quản lí nhà trọ của chúng tôi ở Padum. Tháng Mười, thu muộn đã nhuộm màu vàng cam khắp dải Zanskar và thung lũng Suru. Vào một buổi sáng khô và se lạnh, vài vũng nước ven đường đã bắt đầu đóng băng. Mùa này, khách trọ thưa thớt dần, có lẽ chúng tôi là một trong những nhóm khách cuối cùng ở đây trước khi tuyết rơi. Mấy ngày trước, khi biết chúng tôi cần porter và người dẫn đường đi trek lên tu viện Phuktal, bác Galchan và bạn bác quyết định đóng cửa nhà trọ luôn hai ngày, đi cùng chúng tôi.
Padum và Phuktal đều nằm sâu trong vùng Zanskar hẻo lánh, thần bí và hoang sơ nhất Ấn Độ. Zanskar là một phần của Ladakh, miền đất của những con đèo cao (Land of High Passes), thuộc nửa Đông bang Jammu & Kashmir (J&K). Người ta hay gọi J&K là vương miện Ấn Độ, một phần vì bang này nằm ở cực Bắc đất nước, phía Tây J&K giáp Pakistan, phía Đông và Bắc giáp với Tây Tạng. Một phần nữa vì vẻ đẹp thần tiên. J&K từng chinh phục trái tim một vị vua Ấn, khiến ngài ưu ái gọi nơi đây là thiên đường hạ giới. Quả thật, J&K vừa dịu dàng như nước hồ xanh thẳm, vừa hùng vĩ như sông băng, núi tuyết thuộc Himalaya, vừa hoang dại như những dòng sông chảy xiết, vừa trầm lắng như những tu viện trên sườn núi, vừa lãng mạn như những thung lũng phủ lá vàng.
Từ Leh, thủ phủ vùng Ladakh, tôi đến Zanskar khi hành trình ở Bắc Ấn đã qua hơn nửa. Leh cách Kargil, cửa ngõ vào Zanskar, chừng 220 km và sáu-bảy tiếng đi xe. Sau một đêm ngủ lại Kargil, chúng tôi đi thêm hơn mười hai tiếng, trên 240 km đường núi hiểm trở mới đến được Padum.
Padum là một thị trấn nhỏ, hẻo lánh, nằm gần ngã ba sông Doda, Tsarap và Zanskar, trên vùng lòng chảo cao hơn 3600 mét, bao quanh bởi các đỉnh núi bạc đầu. Những đỉnh núi nhọn hoắt, hằn dấu thời gian, gió và băng tuyết. Padum ở trung tâm Zanskar, với dân số khoảng gần một nghìn người. Phần lớn vùng Zanskar theo đạo Phật, nhưng giống như Kargil, Padum nằm dưới sự quản lí của người Hồi dòng Sunni. Ở đây, Phật giáo và Hồi giáo cùng song song tồn tại.
Tên thị trấn Padum được đặt theo Padmasambhava – Liên Hoa Sinh (sinh ra từ hoa sen), một trong hai vị cao tăng đã truyền Phật giáo Ấn Độ sang Tây Tạng. Phật giáo Ấn Độ khi đến Tây Tạng đã giao thoa với đạo Bön lâu đời của người Tạng, tạo nên Phật giáo Tây Tạng rất riêng biệt, mang màu sắc phép thuật, thần linh hơn. Phật giáo Tây Tạng sau đó đã theo chân những người Tạng di cư trở lại Ladakh. Phật giáo Ladakh vì thế mang ảnh hưởng rất lớn của Tây Tạng, và có hai dòng chính là Drugpa (Hồng Mạo Giáo – phái Mũ đỏ) và Gelugpa (Hoàng Mạo Giáo – phái Mũ Vàng). Vùng Zanskar cũng không phải ngoại lệ.
Chúng tôi ở lại Padum vài ngày để thăm thú vô số làng mạc, tu viện, tận hưởng không khí trong trẻo thanh bình của Zanskar và lên đường trekking vào Phuktal. Bao nhiêu mệt mỏi sau những chặng đường dài đều bay biến hết khi được thảnh thơi ngồi trên bậu cửa một tu viện cổ nghìn năm, cheo leo trên vách núi. Trước mặt là khoảng không rộng lớn. Bên dưới, một dòng nước uốn lượn, len giữa vài mái nhà và những vườn cây đang ngả vàng. Phía xa in bóng rặng Zanskar trập trùng tuyết trắng. Tất cả đều tĩnh lặng, chỉ có tiếng gió rít qua khe cửa làm bằng gỗ mộc, tiếng dải cờ lật phật giữa sân và tiếng lá va vào nhau lao xao. Tôi yêu và trân trọng giây phút này biết mấy.
Phuktal
Ngày hôm sau, chúng tôi rời Padum từ chạng vạng để đi Phuktal. Phuktal là một tu viện cổ của phái Gelugpa, được xây dựng từ thế kỉ XII bằng vật liệu thô sơ, chủ yếu là bùn và gỗ. Phuktal có một vị thế đặc biệt, thả mình từ một hang động tự nhiên, lửng lơ bám vào hẻm núi bên trên sông Tsarap. Tu viện ngày nay là nơi cư ngụ của tám mươi vị sư nhưng lại biệt lập với thế giới bên ngoài.
Từ Padum, bạn lái xe Kunga đưa chúng tôi vượt quãng đường hơn hai tiếng rưỡi đến làng Anmu cách Padum 30 km. Đường ngược dòng sông Tsarap, len lỏi giữa hẻm núi hẹp, một bên là núi cao, một bên là sông sâu cuồn cuộn. Sáng sớm lạnh, phong cảnh núi sông trong veo và đẹp đến kì lạ. Đây đó, khói bay lên từ những ngôi nhà nhỏ, long lanh dưới làn nắng sớm. Từng đàn chim se sẻ lúc đậu, lúc bay trên những khoảnh đồng đã gặt. Tất cả đều như một bài thơ.
… À mà không, mọi thứ đều nên thơ, trừ con đường gập ghềnh đá sỏi xe chúng tôi đang chạy. Nhiều đoạn, đường thắt lại, xe bật tưng tưng, bánh trườn ra sát bờ đá dốc. Nắng xiên xiên trên sườn núi, xe nghiêng nghiêng trên miệng vực. Nhìn thấy sợ. Sau mấy lần thót tim, chúng tôi cũng dừng lại ngôi làng nhỏ Anmu, làng cuối cũng có thể đến được bằng xe cơ giới. Từ đây đi bộ hơn 12 km đường mòn nữa sẽ đến Phuktal.
Chúng tôi rời Anmu lúc hơn 9 giờ sáng. Đoạn trek đầu tiên thoai thoải nhẹ nhàng, không quá lên, cũng không quá xuống. Sức tôi thuộc loại trung bình, nhưng ở độ cao 4000 mét, tôi mới biết mình còn yếu hơn mọi khi vẫn ảo tưởng. Được một đoạn ngắn, nhóm tôi chia thành hai tốp. Tốp đầu hừng hực khí thế, tên lửa gắn vào mông, băng băng thẳng tiến. Tôi lẽo đẽo đi tốp sau, cùng chị Trang, chị Ngọc, anh Sơn Bụ và bác Galchan. Bác Galchan được giao nhiệm vụ chốt đoàn, không được bỏ rơi đứa nào. Thế là bác trở thành bảo mẫu của chúng tôi.
Hai tiếng rưỡi từ Anmu, chúng tôi đến làng Cha và dừng lại nghỉ trưa. Làng Cha còn cách Phuktal khoảng 7 km nữa và chỉ có vài hộ gia đình. Những ngôi nhà trắng, khung cửa nâu đơn sơ nhưng xinh xẻo. Đi khỏi làng Cha, một con dốc cao đang đợi sẵn, đúng lúc mặt trời đang nằm trên đỉnh đầu. Trời thu sao cao quá, xanh quá. Ở độ cao này, nắng càng chói lòa. Chúng tôi nhích được vài bước lại dừng, cố động viên nhau lên tiếp. Tôi vừa cắm mặt leo vừa thở hổn hển, thở xong dừng lại uống nước, nhởn nhơ ngắm cảnh, chắc bác Galchan sốt ruột lắm.
Sau đoạn dốc, đường mòn thoai thoải đi xuống. Vài trăm mét bên dưới, sông Tsarap vẫn mải miết chảy về Padum. Xa xa bên kia sông, làng Purney (Purne) đã khoác lên mình tấm áo thu vàng rực rỡ. Làng Purney, cùng với làng Cha là hai nơi hiếm hoi có người ở trên đường tới Phuktal.
Bắt đầu từ đây, phong cảnh ngày càng đẹp đến siêu thực. Sau mỗi khúc quành, khung cảnh hùng vĩ mở ra trước mắt càng rộng lớn hơn, choáng ngợp hơn. Đứng trên cao, tôi lặng ngắm sông Tsarap oằn mình giữa hai hẻm núi hẹp. Sông sao mà trong, mà xanh. Núi sao mà cao, mà rộng. Mặt trời chiều chạm dần vào đỉnh núi, tan thành tia, làm nước long lanh, làm hồng mặt đá. Sao lại đẹp đến vậy !
Vào đúng khoảnh khắc ấy, tôi chợt hiểu tại sao đạo Bön nguyên thuỷ của người Tạng lại tin rằng vạn vật, từ núi, cây, sông, hồ, đều mang một linh hồn. Mọi thứ xung quanh tôi đều vô cùng nguyên sơ và sống động. Chúng gần gũi đến mức tôi cảm thấy chỉ cần đưa tay ra, tôi sẽ thật sự được chạm vào hơi thở kì diệu của thiên nhiên.
Tôi sẽ vẫn ngây người ra mà chiêm ngưỡng nếu như nắng chiều đang nhạt dần không nhắc tôi phải nhanh chân, rảo bước. Quãng đường còn lại hẹp hơn, có vài đoạn đá sạt xuống sát mép đường, hơi khó đi một chút. Thật may cho chúng tôi, hôm nay trời không mưa.
Sau ba tiếng từ khi rời làng Cha, chúng tôi tới nhà nghỉ nằm dưới chân tu viện. Mai, chị Dương, Hiếu, anh Quân, anh Tuấn, anh Sơn Gầy đã tới nơi trước đó hơn nửa tiếng.
Nơi đây hoàn toàn cách biệt, không sóng điện thoại, không internet. Mùa hè còn có thể đi bộ. Lừa hoặc ngựa có thể thồ hàng trên những con đường mòn ven núi. Còn khi mùa đông khắc nghiệt ập xuống Zanskar, mọi nhu yếu phẩm chỉ được chuyển đến trên mặt sông Tsarap đã đóng băng.
Phuktal đây rồi !
Sau bao tháng ngày mong chờ, tôi cũng đến được đây. Phuktal luôn nằm trong số những ngôi cổ tự hẻo lánh, huyền bí nhất. Giữa vùng núi hoang dã, trải qua bao thế kỉ đối mặt với thiên nhiên khốc liệt, Phuktal được che chở bởi hang đá tự nhiên trên vách núi, vẫn đứng đó, cổ kính và điềm nhiên.
Phuktal là linh hồn của thung lũng Lungnak (Tsarap). Các sư giúp bà con tổ chức cầu phúc, cưới hỏi, ma chay và mở trường dạy học các môn căn bản kèm giáo lí cho trẻ con từ lớp 1 đến lớp 8. Bệnh xá của tu viện vẫn còn lưu truyền các bí quyết y học truyền thống của người Tạng, giúp chữa bệnh cho dân làng lân cận. Chúng tôi đến đúng dịp các sư đi vắng, chỉ còn vài vị ở lại canh chùa. Vì thế quang cảnh đã yên ắng nay càng lặng lẽ.
Phuktal, hơn bất kì đâu, là nơi để ẩn cư, thiền định. Tên Phuktal đến từ hai từ “Phuk” nghĩa là “hang” và “tal” – “nghỉ ngơi”, hoặc “thar” – “giải thoát”. Dù xa xôi, khách lữ hành vẫn không quản đường xá hiểm trở để được một lần chạm tay đến nơi này. Có lẽ vì ở đây, chỉ có mình và thiên nhiên, ta có thể để quên hết muộn phiền.
… Đêm hôm đó, chúng tôi ngủ lại nhà trọ dưới chân tu viện. Nhà trọ chỉ có bốn phòng rất đơn sơ. Từ bên ngoài, không có cách gì liên lạc được để đặt phòng. May quá khi chúng tôi đến nơi, vẫn còn hai phòng trống, chen chúc một chút cũng đủ cho mười người. Có điều các sư đi vắng hết, sáng mai sẽ không có đồ ăn sáng của tu viện. Đếm đi đếm lại, đống mì tôm đem theo vẫn không đủ cho cả sáng và trưa mai. Mì tôm của quán trọ thì quá hạn từ hơn nửa năm, có khi mốc rồi cũng nên. Nhìn bát mì trương phềnh, cậu em Thánh Mì cũng phải đầu hàng. Ở nơi heo hút thế này, tìm đâu ra đồ ăn tử tế bây giờ. Thế mới biết, có những nơi mà tiền chỉ là giấy! Cuộc sống tiện nghi, chăn ấm nệm nêm, đồ ăn ê hề dường như đã cách xa tôi hàng vạn dặm.
Hôm sau, trời còn tờ mờ sáng, chúng tôi nhào dậy, mỗi người một bát mì cuối cùng vào bụng và lên đường. Tuy biết sẽ mệt hơn, chúng tôi vẫn quyết chọn đường về qua làng Purney, dài hơn đường hôm trước qua làng Cha một chút. Chỉ trong chớp mắt, nhóm dẫn đầu lại mất hút. Bác Galchan cố cổ vũ tốp đi sau : “Chỉ cần qua hai cầu treo và ba con dốc là sẽ tới Anmu”. Cây cầu treo đầu tiên bắc qua sông Tsarap cách Phuktal chỉ vài bước chân. Mặt trời vẫn chưa lên, bóng núi tím ngắt đổ xuống dòng nước lạnh lùng, cuộn chảy. “Bước hụt ở đây thì chẳng mấy chốc sẽ trôi đến Anmu, mà có khi đến tận Padum cũng nên.”_ tôi cố gạt ý nghĩ ấy ra khỏi đầu, tập trung từng bước thật chậm qua cây cầu đang lắc qua lắc lại.
Chúng tôi dần lấy lại khí thế đến gần làng Purney, cách Phuktal ba tiếng. Đường sáng nay rộng hơn, nhưng không thoai thoải như hôm qua mà đi lên rồi lại xuống không ngừng. Purney mùa này thật đẹp, lá vàng miên man triền núi, những ngôi nhà trắng nhỏ lặng lẽ nép mình trong nắng sớm còn đang chênh chếch.
Purney nằm ở ngã ba sông. Ngay dưới kia, con sông Kargyag xanh đục, chảy từ Shingo La, hòa vào dòng chảy trong veo của sông Tsarap lấy nguồn từ Baralacha La. Sông Tsarap sau đó chảy tiếp về phía Padum ở hướng Tây Bắc đến khi gặp thung lũng chính Zanskar, mà người địa phương hay gọi là jung-khor. Không rõ vì sao, tôi như bị thôi miên bởi hai dòng nước ấy. Chúng có gì đó thật bí ẩn và kì diệu.
– “Đẹp quá hỉ ?” – Bác Galchan phụ hoạ.
– “Vâng ạ. Sông này, núi này, cháu yêu nơi này mất rồi. Bác có thích ở đây không ?”
– “Yes, please ! Vậy thì hãy quay trở lại. Zanskar rộng lớn lắm. Một ngày nào đó, hãy quay trở lại.”
Thêm hai tiếng nữa từ Purney, chúng tôi đến cây cầu treo thứ hai, còn dài và chênh vênh hơn cây cầu trước. Lúc đó đã là quá trưa, đường về còn khá xa. Mắt tôi nhoà đi vì nắng, vì gió, vì bụi. Tôi tự hỏi : “Sao mình lại dẫn thân đến đây ?”. Rồi ngay lúc ấy, tôi nhớ những mẩu chuyện không đầu không cuối với những người tôi đã gặp trên đường, những mảnh ghép khác nhau mà nếu không ở đây tôi sẽ không bao giờ được biết. Tôi cũng nhớ lại những khoảnh khắc bình yên ở một nơi xa lạ, những cảm xúc mãnh liệt trào dâng khi đứng trước thiên nhiên diệu kì. Đối với tôi, chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ để tôi tiếp tục bước đi.
Và biết đâu có ngày tôi sẽ làm theo lời dặn của bác Galchan và quay trở lại.
Các bài viết khác
Album ảnh : Album ảnh Facebook về Ladakh
Mọi chi tiết về chuyến đi : Ladakh – Nhật kí hành trình
Lịch trình và kinh nghiệm đi Ladakh, Zanskar : Ladakh, Zanskar – Lịch trình và kinh nghiệm
(Bài đã đăng trên tạp chí Travellive số tháng 5/2018)