Fes
Nếu ai đó hỏi tôi thích nơi nào nhất ở Maroc, tôi sẽ chọn Fes mà không cần do dự. Trước nay, tôi luôn dành nhiều tình cảm hơn cho những phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, cho núi cao, biển rộng, sông dài, hiếm khi ưu ái các thành phố lớn. Nhưng tôi không thể không bén duyên với Fes. Thành phố này quá đặc biệt, vừa mang vẻ truyền thống, nghiêm nghị của một cố đô, vừa rộn ràng, vồn vã đặc trưng của các souk (chợ), vừa thanh bình, ấm cúng của các khu dinh thự kiểu Pháp.
Nếu như Marrakech tấp nập và náo nhiệt, cuốn hút như một chàng trai trẻ đầy nhựa sống; thì Fes in giấu thời gian, quyến rũ, bí ẩn như một người đàn ông trầm lặng. Fes là kinh đô cổ nhất và cũng có thời gian dài nhất làm thủ đô của Maroc qua các triều đại, đã chứng kiến lịch sử thăng trầm của đất nước qua hàng nghìn năm. Cho đến tận năm 1912, hiệp ước Pháp – Maroc kí tại Fes đã đưa Maroc vào danh sách các nước thuộc địa và thủ đô mới chuyển hẳn về Rabat. Tuy vậy, đến nay, Fes vẫn là trung tâm nghệ thuật, văn hóa và tinh thần của cả vương quốc.
Sau bốn ngày rung lắc trên ô tô, vật vã trên lưng lạc đà ngoài sa mạc, tôi được trở lại với ánh sáng văn minh. Hôm ấy, Fes đón tôi bằng một màn mưa thu rả rích. Qua cửa kính xe, tôi ngỡ mình đang đi ngược dòng thời gian qua ba thời đại hoàn toàn khác nhau của thành phố. Đầu tiên là khu phố mới Dar Dbibegh, được xây bởi người Pháp trong thời thuộc địa, kết hợp hài hòa giữa phong cách Maroc truyền thống và châu Âu hiện đại. Rồi đến Fès el-Jedid, trung tâm hành chính “mới”, khởi công vào thế kỉ thứ XIII dưới triều đại Marinid. Cuối cùng, tôi xuống đi bộ vào một thế giới khác hẳn : Fès el-Bali, bao trọn khu medina (phố trong thành), là khu phố cổ nhất, hình thành dưới triều đại Idrissid từ thế kỉ thứ VIII.
Một ngày của tôi ở Fes thường bắt đầu trước bình minh khi bị đánh thức bởi tiếng adhan (tiếng gọi cầu kinh) râm ran. Từ tòa tháp cao nhất, tiếng adhan mạch lạc, lên bổng xuống trầm, lan tỏa xuống từng ngõ ngách trong thành phố. Mỗi ngày, người theo đạo Hồi cầu nguyện năm lần : bình minh, giữa trưa, giữa chiều, hoàng hôn và một giờ sau hoàng hôn. Họ có thể tập trung ở một trong ba công trình tôn giáo là thánh đường, trường học Hồi giáo và lăng mộ, hoặc cầu nguyện ở chốn riêng tư, miễn là phải quay mặt về hướng thánh địa Mecca.
Sáng sớm, tôi đi bộ ra Bab Boujloud, cổng thành đặc biệt nhất của Fes, nối Fès el-Jedid với khu phố cổ Fès el-Bali. Bab Boujloud hay được gọi là “Cổng Xanh” do màu những viên gạch trang trí vẽ hoa văn cầu kì ốp kín hai mặt tường : một mặt màu xanh cobalt – màu của Fes, mặt kia màu xanh lá cây – màu của Hồi giáo.
Người ta hay nhắc đến medina của Fes như một mê cung hỗn loạn. Đây là khu phố đi bộ lớn nhất thế giới với dân số gấp ba lần Venise. Trong medina, xe cơ giới bị cấm hoàn toàn do nhiều cầu thang lên xuống và đường phố chật hẹp, chỉ từ vài chục cm đến một vài mét. Từ Bab Boujlou ở phía Tây, hai phố chính Talaa Lekbira (con dốc lớn) và Talaa Sghira (con dốc nhỏ) song hành với nhau, kéo đến tận phía Đông gần khu thuộc da nổi tiếng Chouwara. Mỗi lần lạc bước trong những con phố nhỏ bé, đan chen chằng chịt, tôi thường nhớ xem mình đang ở đâu so với hai phố chính này là để tìm phương hướng.
Những bức tường thành của Fes bao bọc một kho báu văn hóa và kiến trúc vô giá. Chỉ trên diện tích vài km vuông, vô số các cổng thành, cung điện, thánh đường, trường học Hồi giáo, lăng mộ, thư viện, đài phun nước được bảo tồn tốt nhất thế giới Ả rập mê hoặc hoàn toàn những người thích lang thang khám phá.
Rời Bab Boujlou, hai phố chính dẫn tôi vào sâu trong medina nơi tập trung các công trình kiến trúc Hồi giáo Tây Ban Nha (hispano-moresque) tuyệt mĩ. Có lẽ không ở một nơi nào khác ta có thể vào thăm quan nhiều madrasa (trường học Hồi giáo) đẹp như ở Fes : madrasa El Attaryne (nhỏ nhắn nhưng được xếp vào hàng kiệt tác nghệ thuật), Bou Inania (trường học cuối cùng và cũng rộng nhất được xây dưới triều đại Marinid), Es Seffarine, Echaratine … . Trái tim của Fes nằm chính giữa khu medina, nơi đặt lăng mộ Moulay Idriss II – vị vua thứ hai của triều đại Idrissid và cũng là người sáng lập thành phố. Kế đó là thánh đường kiêm trường đại học Hồi giáo cổ nhất thế giới El Quaraouiyine, thành lập năm 859. Tuy nhiên, như tất cả các lăng mộ, thành đường Hồi giáo khác của Maroc (trừ nhà thờ Hassan II ở Casablanca), trái tim của Fes đóng cửa với người ngoại đạo.
Tôi rời các điểm thăm quan lớn để lang thang giữa những con hẻm lắt léo và những quảng trường nhỏ bé, để mình lạc trong tiếng khung cửi đâu đó, tiếng trạm gỗ quanh quảng trường Nejjarine, tiếng búa thợ rèn của quảng trường Seffarine. Fes nổi tiếng với các đặc sản địa phương và sản phẩm thủ công tinh tế. Souk (chợ) Attarine bán henna và gia vị, souk Tillis bán thảm, quảng trường Chemaïne bán chà là và các loại hạt, souk Chrabliyines bán babouche – loại giầy truyền thống Maroc. Khắp thành phố, ta không khỏi bị thu hút bởi các cửa hàng bán đồ gốm vẽ hoa văn xanh cobalt truyền thống và đồ da đẹp mắt.
Fes có nhiều xưởng thuộc da lâu đời, nhưng lớn nhất là xưởng Chouwara, ở không xa quảng trường Seffarine. Du khách có thể leo lên ban công các cửa hàng trong các ngôi nhà bao quanh khu xưởng, xem người ta xử lí da theo phương thức lưu truyền từ thời Trung Cổ. Mỗi người sẽ được chủ nhà phát cho một cành bạc hà để át mùi hôi nồng nặc bốc lên từ các bể chứa nhiều màu sắc.
Buổi chiều tà là lúc tôi thấy thích hợp nhất để rời xa khu medina đông đúc, đi ngắm Fes từ trên cao. Fes nằm trên cao nguyên Saïss, kẹp giữa vùng núi Rif và dải Atlas, xung quanh không thiếu những quả đồi có tầm nhìn tuyệt đẹp. Từ đây, những nhộn nhạo, xô bồ trong khu phố cổ đều tan biến, chỉ còn ánh nắng vàng cam phủ tràn xuống các minaret.
Điểm ngắm cảnh từ trên cao ở Fès
- Phía Bắc :
- Ra khỏi medina qua Bab Guissa, leo lên đồi nơi có khu lăng mộ Mérinides (Tombeaux des Mérinides).
- Pháo đài Borj Nord, Avenue des Merinides, Quartier ben Slimane
- Phía Nam :
- Con đường nối giữa Bab did à Bab Ftouh dưới chân ngọn đồi có Borj Dhab.
- Pháo đài Borj Sud, Avenue Borj S.
Tại Fes có thể thuê hướng dẫn viên đưa đi thăm quan thành phố nửa ngày hoặc một ngày. Họ sẽ giới thiệu kĩ về văn hóa, kiến trúc, phong tục tập quán, và nhất là giúp bạn thoát khỏi vòng bủa vây của phường trộm cắp và cò lái. Người dân Fes nổi tiếng không thích bị chụp ảnh, nhưng nếu đi với hướng dẫn viên, bạn sẽ được thoải mái chụp ảnh người qua lại và các quầy hàng mà không ai tỏ thái độ gì khó chịu. Buổi sáng, họ tập trung rất nhiều Bab Boujloud, mỗi người đều có thẻ hành nghề. Giá tầm 10-12 $ / nửa ngày cho 2 khách.
Meknes
Mỗi vùng đất từng đi qua đều để lại cho tôi một ấn tượng đặc biệt, yêu có, ghét có, khi thì hứng khởi, khi là cuồng nhiệt, lúc lại hờn giận, cũng có lúc là dịu êm. Nhưng riêng Meknes đã đọng lại trong tôi hai cảm xúc trái chiều, vừa nhẹ nhõm nhưng lại nhiều tiếc nuối.
Meknes rất gần Fès và là một thành phố nhỏ, đủ để đến và đi trong ngày. Vừa đến nơi, tôi đã thấy Meknes khác hẳn các thành phố cổ khác của Maroc khi có nhiều công viên, vườn hoa, quảng trường vuông vức và thênh thang nằm giữa trung tâm. Trong medina của Fès hay Marrakech, tôi hay thấy gò bó khi đi cả ngày giữa những ngõ nhỏ đông đúc, lắt léo và xoắn vào nhau. Còn ở Meknes, lòng tôi trùng xuống, thoải mái giữa những không gian phóng khoáng. Thế nhưng, kì lạ thay, những không gian này gần như không ăn nhập với phần còn lại của medina. Giống như thể những ngôi nha cổ chật hẹp của khu medina đã tồn tại trước, rồi có ai đó đã đập đi một nửa để chèn vườn hoa và quảng trường vào đó vậy.
Trong một ngày dành cho Meknes, tôi đi lang thang khắp phố, ngắm cổng thành lớn và đẹp nhất Bab Mansour, vào madrasa Bou Inania, bảo tàng nghệ thuật Maroc, và thậm chí còn rảnh rang vào vườn bách thú tí hon ở rìa phố cổ, giáp khu phố mới. Meknes không hoành tráng, quang cảnh có thể nói là giản dị, nhưng con người cực kì dễ thương. Ở đây không có nhiều khách du lịch như những thành phố Maroc tôi đi qua trước đó nhưng là nơi người dân nồng hậu nhất và chân thành nhất. Từ anh bảo vệ tòa thị chính, bác gác cổng bảo tàng hay chú bán cam trong công viên, ai cũng vui vẻ và nhiệt tình đến ngạc nhiên. Suốt cả ngày, tôi không bị chèo kéo đến phát mệt, cũng không bị dụ khị vòi vĩnh lấy một lần. Nghe có vẻ lạ, nhưng một ngày như thế ở giữa chợ Maroc hiếm có vô cùng.
Nhắc đến người Meknes, tôi lại nhớ chú canh bảo tàng nghệ thuật cứ nhất định nói tiếng Berber với cậu bạn tôi vì nhìn cậu giống hệt người miền núi Maroc, khuôn mặt dài, da không trắng hẳn như người Bắc Âu mà cũng không rám nắng như người Ả Rập, tóc xoăn nâu sẫm và mắt màu hạt dẻ. Đang lúc vắng khách, chú kể cho chúng tôi về lịch sử Meknes và giải đáp các thắc mắc của tôi về sự xen kẽ kì lạ giữa các khoảng trống rộng và khu phố cổ chen chúc.
Thành phố chạm mốc hoàng kim vào thế kỉ XVII – XVIII, dưới thời sultan (vua Hồi) Moulay Ismail. Ngài là nhân vật quan trọng nhất triều đại Alaouite, đã thống nhất đất nước, đánh đuổi giặc ngoại xâm châu Âu ở phía Bắc, Ottoman ở phía Đông và quy phục người Berber. Còn các nhà sử học lại thường nhắc đến ngài như vị bạo chúa tàn ác nhất trong lịch sử. Moulay Ismail đã chuyển kinh đô từ Fès về Meknes, cho phá hủy toàn bộ kasbah (thành cổ thường được xây bằng đất) có từ thời Marinid và một phần khu phố cổ trong trung tâm thành phố. Thay vào đó, chỉ sau mấy chục năm, các cung điện, vườn hoa, lăng tẩm và 43 km tường thành mọc lên từ công sức của 30 nghìn tù nhân và nô lệ. Meknes khởi sắc chỉ dưới một triều vua, và hào nhoáng tới mức được gọi là Versaille của Maroc. Còn chính Moulay Ismail thường được so sánh với vua Louis XIV cùng thời – mệnh danh là « Vua Mặt Trời » (Rois Soleil) nổi tiếng trong lịch sử Pháp.
Tiếc thay, Meknes chỉ là giấc mơ dở dang của một vị vua nhiều tham vọng. Sau khi Moulay Ismail mất năm 1727, thành phố tiến tới bờ thoái trào. Gần 30 năm sau, trận động đất Lisbon đã phá hủy hầu hết các công trình của ngài. Ngay sau đó, thủ đô Maroc đã được chuyển về Marrakech. Hào quang của Meknes dần rơi vào quên lãng.
Trận động đất Lisbon năm 1755, mạnh 8.5 độ Richter, là thảm họa thiên nhiên kinh hoàng nhất thế kỉ XVIII, san phẳng phần lớn thành phố Lisbon. Động đất và sóng thần đã gây thiệt hại khắp Bồ Đào Nha và Bắc Phi với khoảng 60 000 người chết. Đây cũng là điểm mốc khai sinh ngành địa chấn học hiện đại.
Bước trên những con phố ở Meknes, tôi không khỏi để trí tưởng tượng bay bổng về thời hưng thịnh thế kỉ XVIII và tự hỏi « liệu không có trận động đất ngày nào thì Meknes giờ sẽ ra sao ». Tôi tiếc những di sản được vun đắp trong bao năm và những con người đang sống, bỗng biến mất chỉ trong tích tắc. Từ đống đổ nát hoang tàn, người Meknes đã gây dựng lại thành phố, tuy không hoành tráng như xưa, nhưng vẫn là một điểm đến đáng được khám phá ở Maroc.
Điểm ngắm cảnh từ trên cao ở Meknes
- Sân thượng madrasa Bou Inania.
- Quán ăn trên sân thượng Riad Selma, 2 Sidi Amar Bouaouada Tiberbarine, ngay gần madrasa Bou Inania có tầm nhìn rộng và đẹp xuống thành phố. Nếu không muốn ăn, bạn chỉ cần gọi một cốc trà hoặc nước uống gì đó là sẽ được thoải mái ngắm cảnh.
Chefchaouen
Gần hết hai tuần lang thang, tôi bắt chuyến bus cuối cùng về phía dải núi Rif ở miền Bắc Maroc trước khi quay trở lại Casablanca để lên máy bay về nhà. Vùng núi Rif là vựa cần sa (haschisch, kif) khổng lồ, chiếm một phần ba sản lượng thế giới. Những bạn trẻ đến từ năm châu tôi đã gặp trên đường thường kể về nơi này như thiên đường cho những người thích leo núi và hút cỏ.
Sau bốn tiếng lắc lư và vài lần dừng lại những ngôi làng nhỏ ven chặng đường từ Fes, tôi đặt chân đến là Chefchaouen, người Maroc thường gọi tắt là Chaouen, còn khách Việt vẫn gọi đùa là « Chết cha em ». Chaouen nhỏ nhắn và vắng bóng những công trình kiến trúc hoành tráng. Nhưng bù lại, du khách tìm đến đây để được lạc trong màn ảo ảnh xanh mát của tất cả các ngôi nhà trong thành phố. Những bức tường sơn xanh da trời không lẫn vào đâu được là biểu tượng của Chaouen và xuất hiện trên hầu hết các trang quảng cáo du lịch Maroc.
Tôi đến Chaouen giữa phiên chợ sáng, đúng kiểu chợ nông sản địa phương, kẻ bán người mua nhộn nhịp. Các sạp hàng xếp tạm bợ trên những tấm ván gác trên vài viên gạch hệt như chợ Việt Nam, chất đủ loại rau củ, hoa quả tươi ngon. Cam vàng ươm, mọng nước, lựu đỏ rực, to tròn, mỗi quả một kg, trông ngon lành đến nỗi tôi không thể không xúm vào mua.
Phố cổ Chaouen không phải là một khu souk như Marrakech, Essaouira hay Fes, vắng vẻ hơn nhiều, nhưng không kém phần lắt léo. Các con đường nhỏ nối với nhau bằng những đoạn cầu thang hẹp. Chaouen nhỏ xíu. Cứ loanh quoanh một lúc tôi lại thấy mình đang đứng ở góc nào đó của quảng trường chính Uta el-Haman, nơi tập trung nhiều quán ăn, cửa hàng đồ lưu niệm.
Cả thành phố là hàng trăm sắc xanh mát mắt. Người Chaouen biết cách trang điểm cho những con phố của mình bằng những chậu hoa rực rỡ. Ban ngày, góc phố nào cũng xinh xắn, mỗi lối rẽ lại hứa hẹn một bất ngờ nho nhỏ. Đêm xuống, màu xanh lành lạnh huyền ảo dưới ánh đèn hắt ra từ các khung cửa ven đường, tiếng mèo nghêo ngoao vọng trong hẻm vắng. Bóng tối tràn xuống phố, kéo theo luồng không khí vừa lãng mạn, vừa lạnh sống lưng.
Điểm ngắm cảnh từ trên cao ở Chefchaouen
- Spanish Mosque phía Tây Nam khu phố cổ.
- Đồi Hotel Atlas
- Trên nóc Kashbah cạnh quảng trường Uta el-Haman
Lịch trình tóm tắt cả chuyến đi
Phần 1 : Casablanca, Marrakech, Essaouira
Bài chi tiết tại đây : http://cherrytree.fr/maroc-phan-1-casablanca-marrakech-essaouira/
- Ngày 1 : Casablanca
- Ngày 2 : Casablanca, Marrakech
- Ngày 3, 4 : Marrakech
- Ngày 5 : Marrakech – Essaouira – Marrakech
Phần 2 : Núi Atlas, sa mạc Sahara
Bài chi tiết tại đây : http://cherrytree.fr/maroc-phan-2-nui-atlas-sa-mac-sahara/
- Ngày 6, 7 : Trek vùng núi Atlas, quay về Marrakech
- Ngày 8, 9, 10, 11 : Marrakech – Tours sa mạc Ouarzazate, đi qua làng cổ Ait-Ben-Haddou, sa mạc Merzouga, đến thẳng Fes
Phần 3 : Fes, Meknes, Chefchaouene
Bài chi tiết tại đây : http://cherrytree.fr/maroc-phan-3-fes-meknes-chefchaouen/
- Ngày 12 : Fes
- Ngày 13 : Fes – Meknes – Fes
- Ngày 14 : Fes – Chefchaouene
- Ngày 15 : Chefchaouen – Casablanca
Chia sẻ kinh nghiệm và lịch trình tại đây : http://cherrytree.fr/maroc-lich-trinh-va-kinh-nghiem/